Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn Thị trường bánh, kẹo Tết Nguyên đán 2024: Thương hiệu Việt lên ngôi TP. Hồ Chí Minh: Hàng hóa Tết tấp nập đổ về các chợ |
Nguồn hàng dồi dào, giá giảm
Ngày 16/1, đoàn công tác Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh về tình hình đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 45 doanh nghiệp.
Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết 2024, ngay từ đầu năm 2023 Sở Công Thương đã triển khai kế hoạch đến các đơn vị. Theo đó, tổng nguồn vốn doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. “Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống”, ông Ngô Hồng Y nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp, hệ thống phân phối chuẩn bị đủ nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 |
Theo ông Ngô Hồng Y, nguồn cung hàng hóa từ 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.
Cùng với đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường. Đồng thời, có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Điển hình như, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon – Citimart, Big C dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5 - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, là chợ đầu mối lớn về các mặt hàng nông sản, rau củ, hiện lượng hàng hóa về chợ đầu mối Thủ Đức đạt bình quân 2.700 tấn/ngày. Dự báo cao điểm tết, từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp âm lịch, lượng hàng nhập chợ sẽ tăng dần khoảng 70% so với ngày thường. Cụ thể, ngày 25 khoảng 4.000 tấn, ngày 26 khoảng 3.500 tấn, ngày 27 - 28 cao điểm khoảng 4.500 tấn.
Về giá cả hàng hóa, ông Nhu dự báo, giá các mặt hàng bình ổn, nhiều mặt hàng giá rẻ hơn so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình như củ kiệu rẻ hơn từ 10 – 15.000 đồng/kg so với năm 2023, quýt đường 70.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với năm 2023, dưa leo, khổ qua (25.000 đồng/kg) giảm 5.000 đồng/kg. Giá các loại hoa cũng giảm khoảng 10 – 20% so với năm trước. “Dự báo, hàng hóa cung ứng tết 2024 tăng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân lo lắng về sức mua do hàng nhiều, sức mua yếu”, ông Nhu bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay, nguồn hàng đã được chuẩn bị dồi dào, hợp đồng của doanh nghiệp với nhà cung cấp được đảm bảo. Song điều lo lắng nhất hiện nay là sức mua thấp.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Phương cho biết hiện nay người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể gặp khó do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân tạm nghỉ về quê.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả
Đánh giá về tình hình hàng hóa Tết, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả dịp cuối năm. Thành phố cũng rất tích cực trong công tác phối hợp, báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa và tình hình thị trường Tết Nguyên đán, giúp Bộ Công Thương nắm bắt sát được tình hình thị trường tại địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chung.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại buổi làm việc |
Để thực hiện công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách hiệu quả, thiết thực, ông Phan Văn Chinh đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng mặt hàng gạo và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán để có phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa với giá bình ổn theo đúng kế hoạch bình ổn giá của thành phố.
Song song đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng gạo, thịt lợn để phục vụ Tết; triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường; chủ động phối hợp, báo cáo tình hình thị trường Tết với Bộ Công Thương, nhất là thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, có phương án hoặc đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác chuẩn bị Tết của địa phương, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để tránh tâm lý đầu cơ, tích trữ đẩy giá tăng cao.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, nhóm hàng lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng về các khu công nghiệp, khu chế xuất để mọi người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm với giá hợp lý.