Hàng hóa đã sẵn sàng lên kệ
Là doanh nghiệp phân phối, để chuẩn bị nguồn hàng cho vụ Tết 2024, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết, đơn vị đã kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp từ cách đó vài tháng về nguồn hàng, giá cả. Đến thời điểm này, siêu thị đã chuẩn bị xong, nhất là nguồn hàng thiết yếu và đại đa số các mặt hàng không tăng giá, thậm chí là sẽ giảm.
Khách hàng hào hứng vì chọn mua được hộp quà Tết ưng ý |
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, dự báo Tết năm nay là cái Tết khó khăn, do đó, người tiêu dùng sẽ để ý nhiều đến ngân sách mua hàng. Những mặt hàng có mức giá vừa phải sẽ được khách hàng ưu tiên. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ tập trung nhiều hơn vào các đơn vị có nhiều các chương trình khuyến mại.
“Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, do đó, mùa vụ trồng trọt, chăn nuôi sản lượng tăng, nhiều mặt hàng nông sản dồi dào, thịt heo, rau củ giữ giá. Chúng ta sẽ có một cái Tết không lo khan hàng, sốt giá”, ông Lê Mạnh Phong chia sẻ và cho biết, mặc dù dự báo doanh thu bán hàng vụ mùa Tết không tăng như mọi năm nhưng đơn vị vẫn tăng lượng dữ trữ hàng hóa từ 15 - 17%, nhằm tránh các rủi ro nhà cung cấp không giao đủ hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) - chia sẻ, công ty dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Cùng với việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.
Kích thích người dân “mở ví”, tăng tiêu dùng trong dịp Tết
Liên quan đến công tác đảm bảo nguồn hàng, theo Sở Công Thương Hà Nội, để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, triển khai các chương trình bình ổn thị trường mà UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt, từ đó xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 11 mặt hàng thiết yếu khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Cùng với Hà Nội, tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 22 nghìn tỷ đồng bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương Đà Nẵng cũng cho biết đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với tổng trị giá hàng dự trữ khoảng 2,58 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái.
Trong đó, dự kiến, trong 3 ngày giáp Tết Nguyên đán, 19 điểm bán hàng bình ổn tập trung tại các chợ gần các khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bảo đảm các điểm bán được phân bổ hợp lý tại các quận/huyện, phục vụ nhu cầu của người dân.
Người tiêu dùng hào hứng mua sắm Tết ở hệ thống siêu thị GO! |
Sở Công Thương Bình Dương cũng đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trị giá hơn 2,25 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, tại tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hóa ước đạt 1,249 nghìn tỷ đồng, cùng sự tham gia của 20 doanh nghiệp.
Tại tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tham gia chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết với tổng trị giá hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Hiện, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương hối hả chuẩn bị và đưa đến các hệ thống phân phối.
Về phía các hệ thống phân phối đã đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả từ cách đây từ 3 tháng đến thậm chí 6 tháng để chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nguồn cung và dự trữ theo chỉ đạo của các Sở Công Thương, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả trước, trong và sau Tết.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn dự trữ cao hơn so với mức mà Sở Công Thương giao để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các tình huống dịch bệnh hoặc những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra, từ đó có thể chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán này.
Đáng chú ý, năm nay, do điều kiện kinh tế của thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm các sản phẩm mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Do đó, để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối cũng đã kết nối với các nhà sản xuất để từ đó giảm giá thành và đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, kích thích người dân “mở ví”, tăng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Như vậy, với các chính sách đồng bộ. Nhà nước hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có được nguồn vốn để quay vòng, vừa sản xuất, vừa kinh doanh, và đưa ra các sản phẩm có giá trị phù hợp với mức thuế đã được giảm để từ đó giảm giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, các chương trình kích cầu, các lễ hội, hội chợ để đưa các sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Cùng với đa dạng các giải pháp trong việc chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa, người dân cả nước sẽ yên tâm mua sắm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này.