Chiều 14/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tiếp tục xét xử 14 bị cáo vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép...
Các luật sư, các bị cáo đã trình bày nhiều luận điểm, luận cứ bào chữa, phân tích bối cảnh thực hiện hành vi, nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi phạm tội cho các bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), luật sư phân tích một loạt nội dung và cho rằng việc điều tra, truy tố đối với bị cáo Thế Anh là không khách quan.
Theo đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung xem trong vụ án này liệu bị cáo Nguyễn Thế Anh có bị oan?
Ông Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang. |
Đặc biệt, luật sư còn cho rằng, cần phải làm thay đổi quan điểm buộc tội, không phải cứ nhận tiền là nhận hối lộ.
Cụ thể trong vụ án này, các cơ quan tố tụng cần làm rõ sau khi nhận tiền của Hữu thì Thế Anh có làm gì giúp Hữu hay không thì mới xác định được hành vi của bị cáo Thế Anh có phải là nhận hối lộ hay không.
Bên cạnh đó, luật sư cũng bày tỏ mong muốn vụ án được xét xử công tâm, khách quan, tuân thủ pháp luật...
Trước đó, trong phần thẩm vấn, khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh nhiều lần phủ nhận tội danh, khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. Bị cáo còn nói “bị ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm".
Trước diễn biến này, đại diện Viện kiểm sát đề nghị cựu đại tá nói rõ về việc “bị ép cung”, nếu có chứng cứ gì thì hãy nêu ra để Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử xem xét.
Cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang đọc tên khoảng bốn người, bao gồm các điều tra viên và kiểm sát viên. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử ngắt lời, nhấn mạnh cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh.
Bị cáo này đáp lại: "Nếu bị cáo chỉ ra nơi có bằng chứng như đại diện Viện kiểm sát hỏi thì Viện kiểm sát và tòa có đến nơi đó làm rõ đúng sự thật khách quan cho bị cáo hay không?".
Theo ông Nguyễn Thế Anh, lời khai trước đó của mình chính là chứng cứ thể hiện việc bị ép cung. Ngoài ra, cuốn sổ trích xuất bị can trong trại tạm giam cũng là "chứng cứ rất quan trọng".
Ông này đặt câu hỏi, bị cáo cho rằng, bị tạm giam hơn một năm, bị cơ quan điều tra đưa đi lấy cung khoảng 30 lần, đều có bút lục ghi lại, vậy nhưng trong sổ trích xuất chỉ thể hiện chín lần đi lấy cung. Vậy hơn 20 lần kia để đi đâu?
Từ những lập luận đã nêu, Nguyễn Thế Anh đề nghị tòa triệu tập giám thị trại tạm giam, yêu cầu cung cấp cuốn sổ trích xuất để làm rõ.
Các bị cáo tại toà |
Viện dẫn chứng cứ, kiểm sát viên trình chiếu văn bản thể hiện Nguyễn Thế Anh có gọi điện cho Phan Thanh Hữu, nhằm bác bỏ lời khai của bị cáo về việc không có số điện thoại, không liên hệ với “ông trùm”. Cựu đại tá biên phòng phản đối vì văn bản này “không khách quan”.
Đại diện Viện kiểm sát giải thích văn bản do các công ty viễn thông cung cấp, đã được đánh giá, xem xét trước khi xác định là chứng cứ. Bị cáo tiếp tục cho rằng các dữ liệu cuộc gọi là "không khách quan", vì thời điểm mở niêm phong các điện thoại bị tạm giữ thì bản thân không có mặt nên có thể bị người khác tác động.
Trước đó, trong phần đầu xét hỏi, do bị cáo Nguyễn Thế Anh không nhận tội, đại diện Viện kiểm sát đã công bố bút lục về lịch sử cuộc gọi giữa bị cáo và Phan Thanh Hữu.
Cựu đại tá phản đối, cho rằng "chứng cứ được thu thập sai pháp luật". Ngược lại, “ông trùm” xăng lậu thừa nhận có liên lạc nhiều lần với bị cáo.
Phan Thanh Hữu nhiều lần khẳng định lời khai của mình là đúng, không vu oan cho ai cả, bao gồm việc chi tiền hối lộ cho bị cáo Thế Anh, thậm chí việc này có bảng kê theo dõi hàng tháng. Đặc biệt, “ông trùm” còn khai cựu đại tá biên phòng từng “gọi điện dọa” nên phải tiếp tục đưa hối lộ.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố bị cáo Nguyễn Thế Anh đã vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận lời giúp đỡ Phan Thanh Hữu để bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu. Tổng cộng, Thế Anh đã nhận hối lộ của Hữu với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.
Quá trình điều tra, Nguyễn Thế Anh bị đánh giá là “ngoan cố, chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội” – dù đây không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bị cáo cũng không chịu khắc phục số tiền bất chính đã nhận.
Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Thế Anh đã phạm vào tội “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép ” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 354 và khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với ông Nguyễn Thế Anh bị là tù chung thân đối với tội nhận hối lộ và 1-2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt đề nghị là tù chung thân.
Điều 354. Tội nhận hối lộ “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vĩ lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hôi lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đên 07 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đãy, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hoi lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Điều 349. Tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép 1. Người nào tô chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. |