Ngăn chặn nguy cơ buôn lậu dầu ở khu vực biên giới Việt- Lào Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương nói gì về đường dây buôn lậu xăng dầu “khủng” xuyên quốc gia? |
Đại tá Phùng Danh Thoại hưởng lợi 22,3 tỷ đồng
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Phùng Danh Thoại là Đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, thông qua công việc đã quen biết và đã góp vốn 5 tỷ đồng để cùng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường và Trọng “dầu” tổ chức buôn lậu 198.712.525 lít xăng RON 95-III có giá trị gần 2.800 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu năm 2019, tàu Glory của bị cáo Phan Thanh Hữu (SN 1957, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ vì vận chuyển lậu 1,7 triệu lít dầu DO. Sau đó, Hữu đã nhờ Đào Ngọc Viễn (SN 1968, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) tìm các mối quan hệ để giúp Hữu không bị xử lý hình sự.
Lực lượng công an lấy mẫu xăng tại các bồn chứa trong vụ án buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu. |
Do có quan hệ từ trước với Đại tá Phùng Danh Thoại (Trưởng Phòng xăng dầu, Cục Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển) nên ông Viễn đã trực tiếp dẫn Phan Thanh Hữu đến gặp mặt, nhờ ô Thoại xử lý vụ việc tàu Glory nhưng ông Thoại từ chối. Sau khi “nhờ vả” không được, ông Viễn rủ ông Thoại tham gia góp vốn để cùng kinh doanh xăng dầu.
Viện Kiểm sát quân sự Trung ương xác định, từ tháng 5/2019 - 7/2019, ông Thoại chuyển cho ông Viễn và một bị cáo khác trong vụ án là Phạm Hùng Cường (ở Hải Phòng) số tiền 5 tỷ đồng để góp vốn với Phan Thanh Hữu mua xăng lậu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Như vậy, tổng số vốn hùn hạp của nhóm này là 53,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán xăng giả, Phan Thanh Hữu sẽ hưởng 40%, riêng nhóm của ông Thoại, Viễn và Cường hưởng 60%.
Cáo trạng nêu: Vì lợi nhuận rất lớn thu được từ hoạt động buôn lậu xăng dầu, ông Thoại không làm chủ được bản thân nên đã đồng ý góp vốn với Viễn và Hữu để tổ chức buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.
Thông qua hoạt động buôn lậu từ tháng 9/2019 đến tháng 02/2021, Phùng Danh Thoại đã thu lợi tổng số tiền là tổng số tiền bị cáo hưởng lợi do nhóm buôn lậu chia là 22,3 tỷ đồng.
Hành vi trên của Phùng Danh Thoại đã đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại điểm a, b khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm với các đối tượng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường.
Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai truy tố đối với các bị can Hữu, Viễn, Cường. Phùng Danh Thoại là quân nhân phạm tội nên thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng trong Quân đội.
Đại tá Nguyễn Thế Anh "nhận" 6.2 tỷ đồng và 560 nghìn USD
Ngoài bị cáo Phùng Danh Thoại bị truy tố về tội “Buôn lậu”, Đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) cũng đã bị truy tố tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương nêu rõ: Đại tá Nguyễn Thế Anh, trên cương vị Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đều có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng; nhưng vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ để bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu.
Theo đó, Nguyễn Thế Anh đã đồng ý và đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 01/2020 với số tiền 6.2 tỷ đồng và 560 nghìn USD.
Sau khi hành vi buôn lậu của Phan Thanh Hữu và các đồng phạm bị Cơ quan Cảnh sát điêu tra Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, bắt giữ. Để che giấu hành vi nhận hối lộ của mình, Nguyễn Thế Anh hướng dẫn, đưa tiền cho Nguyễn Văn An đi trốn và thông qua các mối quan hệ cá nhân để tổ chức cho Nguyễn Văn An trốn sang Lào trái phép.
Từ những căn cứ này đã đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, hành vi lợi dụng vị trí, chức vụ công tác của mình hứa hẹn, giúp đỡ, nhận tiền từ Phan Thanh Hữu của Nguyễn Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An đã cấu thành tội nhận hối lộ quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với vai trò chủ mưu, chịu trách nhiệm chính trong vụ án của mình.
Cũng theo Viện kiểm sát, để thực hiện được việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra bắt giữ, đối tượng Phan Thanh Hữu cùng nhóm đồng phạm còn thống nhất chi hối lộ hàng tháng cho các cá nhân thuộc lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông... toàn bộ số tiền chi hối lộ được lấy từ nguồn tiền mà các đối tượng đã thực hiện việc buôn lậu 198.712.525 lít xăng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức bắt giữ, triệt phá đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, do Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn… cầm đầu, đã khởi tố 75 bị can với nhiều tội danh.