Tạo "cú huých" chuyển đổi từ các sản phẩm OCOP
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 20 làng nghề truyền thống và 498 hợp tác xã; trong đó, 347 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Ngoài ra, còn có một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn năng suất cao, chất lượng như: chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, vùng sản xuất thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến ở Tam Dương, Tam Đảo... Đây là lợi thế, tiềm năng sẵn có để Vĩnh Phúc tham gia Chương trình OCOP. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong Chương trình OCOP, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên) đi đầu trong Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP ở địa phương, với 16 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao. Ông Trần Văn Tuy - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ong Tam Đảo - cho biết: "Chương trình OCOP mang lại những giá trị tích cực và nâng tầm thương hiệu sản phẩm công ty. Hiện nay, công ty đã xây dựng được hơn 30 nhà phân phối, hơn 500 đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra thị trường Mỹ, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... Để giữ vững thị trường, thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm ngành ong; đồng thời, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm, nhất là phát triển những dòng sản phẩm phục vụ du lịch".
Sản phẩm Trà hoa vàng của Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc đã có mặt tại các thị trường "khó tính" châu Âu. Ảnh Thu Thủy |
Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc chuyên sản xuất sản phẩm từ cây trà hoa vàng vùng núi Tam Đảo với nhiều sản phẩm mang đậm nét địa phương. Nhận được sự hỗ trợ đắc lực của chương trình OCOP, đến nay, công ty có 1 sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cùng các sản phẩm sản phẩm phong phú khác: trà hoa vàng sấy thăng hoa, trà hoa vàng túi lọc, sữa gạo lứt trà hoa vàng..., sản phẩm của công ty đã có mặt tại các thị trường "khó tính" châu Âu như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Bỉ...
Trao đổi về chương trình mỗi xã một sản phẩm tại địa phương, anh Nguyễn Tùng Dương - Giám đốc Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc - cho biết: “Chương trình OCOP đối với chúng tôi thật sự là một cú huých, tạo đà để hợp tác xã có bước phát triển quy mô, hiện đại, chuyên nghiệp hóa. Đặc biệt, các sản phẩm được xếp hạng có tác dụng rất lớn với người tiêu dùng, là "lối ra" để các sản phẩm tiếp cận tốt hơn với thị trường. Đây là tiền đề quan trọng để công ty tiếp tục mở rộng quy mô, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, ổn định sản lượng…”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 141 sản phẩm được chứng nhận “OCOP Vĩnh Phúc”, trong đó, có 34 sản phẩm đạt 4 sao và 107 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, có chất lượng, uy tín trên thị trường: Mật ong Tacumin, Curcumin, Ngọc Thanh xuân Collagen (Công ty Cổ phần ong Tam Đảo); Các sản phẩm từ trà hoa vàng của Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc; Sản phẩm của Công ty Cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh; Thanh long ruột đỏ, Nấm Đông trùng hạ thảo Tam Đảo; thịt lợn an toàn Phát Đạt, thịt lợn thảo dược; các sản phẩm bột sữa gạo lứt của Công ty Cổ phần thực phẩm DBFood ( Phúc Yên); nem chua tươi, nem thính tươi, nem hấp bùi của Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia ( Vĩnh Yên)...
Các sản phẩm nem của Công ty TNHH thực phẩm Đồng Gia được đưa vào hệ thống siêu thị trên địa bàn Vĩnh Phúc, Hà Nội. Ảnh Thu Thủy |
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Vĩnh Phúc có 61 đơn vị tham gia chương trình OCOP, trong đó, có 20 hợp tác xã, 25 doanh nghiệp và 16 tổ hợp tác. Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương (hỗ trợ đầu tư trang thiết bị; hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ thị trường thương mại, hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP)…đã tạo nên một bức tranh mới, sức sống mới cho nền nông nghiệp. Nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng, tạo gắn kết nhà khoa học-nhà nông-doanh nghiệp, các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP, GlobalGAP đã được quan tâm ứng dụng tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh trên các thị trường và sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phát triển, nâng cao sản phẩm OCOP đến nay, vẫn còn một số điểm bất cập cần tháo gỡ. Trước hết là sự thiếu đồng bộ, khi các văn bản chỉ đạo của Trung ương thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng lớn việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình. Việc tư vấn hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các chính sách hiện hành của cơ quan triển khai cấp tỉnh, huyện còn chưa kịp thời và hạn chế, do đó, chưa khuyến khích được các chủ thể trên địa bàn tỉnh quan tâm và tham gia. Các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình trên địa bàn tỉnh cơ bản là sản phẩm thô sơ, có quy mô sản xuất nhỏ, nhiều sản phẩm trồng theo thời vụ, chưa có tem nhãn bao bì, chưa đảm bảo được vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn nên khó khăn trong việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các hộ kinh doanh, hợp tác xã, trình độ còn hạn chế nên khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình; nhiều chủ thể không có kinh phí để hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Sản phẩm ra thị trường thời gian gần đây có chiều hướng chững lại, tiêu thụ chậm, ảnh hưởng tới sản xuất và doanh thu…
Để giải bài toán trên, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đem lại, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Chuẩn hóa, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về kỹ thuật, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Thúc đẩy hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP Vĩnh Phúc ngày càng vươn xa. Ảnh Thu Thủy |
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới. Thúc đẩy hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tổ chức, hỗ trợ tham gia các hội chợ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phát triển, xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở tất cả các huyện và thành phố trong tỉnh; đa dạng hóa, phát triển các hình thức bán sản phẩm online, qua sàn thương mại điện tử, làm sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh… để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Với mục tiêu đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bên cạnh hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, truyền thống, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở các địa phương. Phấn đấu toàn tỉnh phát triển mới từ 70 đến 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên, đầu tư nâng cấp để có từ 2 đến 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đồng thời, thông qua chương trình, phát triển mới từ 15 đến 20 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.