Hội chợ triển lãm - Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả
Với 7 dân tộc cùng chung sống, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, địa phương đã rất quan tâm triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó có lĩnh vực thương mại.
Đáng chú ý, trong chương trình xúc tiến thương mại hằng năm của quốc gia cũng như của tỉnh, việc tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm thương mại luôn là một trong những nội dung trọng tâm. Thực tế cho thấy, đến nay đây vẫn là kênh xúc tiến thương mại mang tính trực diện và hiệu quả nhất, trực tiếp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác.
Nhờ xúc tiến thương mại thông qua hội chợ triển lãm, Bắc Kạn không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại địa phương, mà thông qua các chương trình này đã hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Bắc Kạn quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thông qua các hội chợ, triển lãm |
Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn, hiện nay toàn tỉnh có 218 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao. Với mong muốn đưa sản phẩm OCOP vươn xa, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Tham gia Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản tại NovaWorld Phan Thiết tại phố đi bộ Miami, Nova World Phan Thiết, Bình Thuận; tham gia Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024; tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội; Chương trình “Ngày Hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2024”.
Bên cạnh đó, năm 2024, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức triển khai Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm OCOP khu vực Đông Bắc đến người tiêu dùng trong nước thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024. Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và triển khai, thông tin về các chương trình hội chợ, hội nghị, hoạt động xúc tiến thương mại do bộ, ngành, các địa phương trên cả nước tổ chức đến các doanh nghiệp, hợp tác xã là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tham dự.
Gần đây nhất, Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc năm 2024 tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 24 - 28/8/2024 là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong vùng có cơ hội giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương. Nhiều mặt hàng đặc trưng, đặc hữu của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bắc Kạn như: Măng khô, miến, tinh bột nghệ, trà hoa vàng, lạp sườn, thịt lợn hun khói… được người tiêu dùng lựa chọn.
Với nhiều nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ nông, lâm sản, Bắc Kạn đã có được thành công bước đầu trong xúc tiến thương mại. Hàng trăm sản phẩm nông sản, OCOP đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước. Thông qua các hợp đồng được ký kết đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động giới thiệu quảng bá các sản phẩm của Bắc Kạn qua nền tảng ứng dụng VDONE |
Đẩy mạnh thương mại điện tử - Thích ứng với bối cảnh hiện tại
Không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại hội chợ, triển lãm, tỉnh Bắc Kạn còn ký kết, hợp tác với các sàn thương mại điện tử, các kênh truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm OCOP. Như Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn, Công ty OCOP Center, Sendo.vn và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng để quảng bá, phân phối sản phẩm nông sản, OCOP của địa phương trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn.
Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy (huyện Ba Bể) cho biết: “Tôi rất phấn khởi được ký kết hợp đồng với sàn thương mại điện tử Sendo. Đây là cơ hội để hợp tác xã được quảng bá sản phẩm trên kênh thương mại điện tử, giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất và hiệu quả”.
Hay Sở Công Thương Bắc Kạn đã làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ VIPTAM về hỗ trợ dài hạn cho tỉnh Bắc Kạn trong việc ứng dụng công nghệ TV-Live, Livestream trong quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn đến các thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đó, Công ty VIPTAM sẽ cung cấp, đào tạo và chuyển giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể phần mềm quản lý hàng hóa thông qua mô hình thương mại điện tử markethome trên nền tảng VDONE phù hợp với mô hình bán hàng online và offline.
Lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn khẳng định, thông qua việc hỗ trợ trên, sẽ góp phần triển khai công tác xúc tiến thương mại của tỉnh được đa dạng, linh hoạt hơn và thích ứng với bối cảnh hiện tại, đồng thời tiếp tục đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng, các địa phương của tỉnh Bắc Kạn trong việc kết nối cung cầu thị trường trong nước và hướng đến thị trường nước ngoài…
“Tại Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc, Công ty đã tổ chức hoạt động giới thiệu về nền tảng công nghệ, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của Bắc Kạn qua nền tảng, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VDONE. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và khách tham quan tại Ngày hội. Hiện, đã có một số đơn vị tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm, tạo kho hàng trên hệ thống ứng dụng như: Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã Minh Anh, Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà” - đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn thông tin.
Ngoài ra, Bắc Kạn duy trì, phát huy hiệu quả trang thông tin giao dịch điện tử ngành Công Thương Bắc Kạn tại địa chỉ www.xttmbackan.gov.vn; triển khai nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tỉnh Bắc Kạn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực tế cho thấy, việc đa dạng hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại không chỉ giúp mở rộng kênh tiếp cận khách hàng, đối tác mà còn tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Mong muốn hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng trong nước hiệu quả, thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, cấp khu vực do Bộ Công Thương tổ chức; tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; tổ chức Ngày hội nông sản OCOP...