Vĩnh Phúc thu hút 58 dự án đầu tư từ Nhật Bản
Chiều 8/3, tại TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị “Xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc”. Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.270 dự án đầu tư, trong đó: 445 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 7,55 tỷ USD và 825 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư hơn 121 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có 58 dự án đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản với số vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD, đứng thứ 2 về tổng vốn đăng ký sau Hàn Quốc.
“Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Vĩnh Phúc đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Công nghiệp cơ khí, ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh, chiếm 88% trên tổng giá trị nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh” – ông Vũ Chí Giang thông tin thêm.
Trong số các nhà đầu tư Nhật Bản hiện diện tại Vĩnh Phúc, có rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Sumitomo… đặc biệt gần đây nhất, Vĩnh Phúc đã thu hút thêm Tập đoàn Sojitz với dự án “Chăn nuôi, chế biến thịt bò tại huyện Tam Đảo” liên doanh với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô GRDP của tỉnh ngày càng tăng, đến hết năm 2022 quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 14 cả nước.
Quy mô GRDP bình quân đầu người đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng ở vị trí thứ 9 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, Vĩnh Phúc nằm trong Top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước, tiếp tục nằm trong Top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc rất cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có các nhà đầu tư đa quốc gia đến từ Nhật Bản.
Tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được nhiều tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản |
Hiện thực hoá mục tiêu thu hút đầu tư
Thực tế, để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các dự án của những tập đoàn lớn, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư cũng như quá trình triển khai dự án, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính.
Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc mong muốn có nhiều tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược quan tâm tìm hiểu và đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện, công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, du lịch;
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt 6 nội dung, bao gồm: Thứ nhất, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và sẽ tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh;
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị sẵn quỹ đất, cũng như quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư;
Thứ ba, hỗ trợ giải quyết những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp như đào tạo, tuyển dụng lao động;
Thứ tư, đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và hỗ trợ các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Thứ năm, thực hiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính;
Thứ sáu, tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, tập trung các nguồn lực và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn.
Phát biểu tại hội thảo, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc cũng như những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động hiệu quả tại địa phương. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, địa phương vẫn cần tiếp tục cải thiện chính sách thu hút đầu tư.
Cụ thể, theo ông Yoichi Harumoto - Tổng giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (liên doanh giữa Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn Vinamilk), thời gian tới hy vọng tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến việc giới thiệu khu đất thích hợp để nghiên cứu mở rộng dự án đầu tư. Bên cạnh đó, mong nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để đẩy nhanh vấn đề chuyển giao công nghệ nuôi bò thịt cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.