Tính chung 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 5.902 người lao động. Đồng thời, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 14.955 lượt người; tiếp nhận đăng ký tìm việc làm của 1.676 người lao động; giới thiệu việc làm cho 1.091 lượt người lao động; cung ứng 451 lao động cho người sử dụng lao động. Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm vẫn giữ được sự ổn định, chỉ số sử dụng lao động tăng gần 3,77% so với cùng kỳ năm 2022.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Lan (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) vì lí do sức khỏe nên nghỉ việc ở công ty cũ, thông qua website và mạng xã hội, chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian chờ kết quả đã được cán bộ trung tâm hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tư vấn xuất khẩu lao động, học nghề, giới thiệu việc làm mới phù hợp, ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là do đa số người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với lý do cá nhân; một số trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do hết thời hạn hợp đồng; Ngoài ra, còn những yếu tố nhu thị trường lao động đang có sự biến động; nhu cầu tuyển lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giảm do thu hẹp mô hình hoặc tạm dừng hoạt động…
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tăng cường hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ thông tin việc làm, giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động; tạo việc làm tại chỗ thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ các điều kiện để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; phát triển du lịch gắn với các lễ hội và nghỉ dưỡng; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề để học viên, sinh viên học xong đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng...
Ông Đặng Phú Xuyên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được trung tâm giải quyết cho người lao động kịp thời, đảm bảo nguyên tắc: Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Bên cạnh đó, trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và các chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm.
Theo đó, để giảm tình trạng quá tải, giải quyết kịp thời chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã vận dụng linh hoạt các phương thức để tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó, Trung tâm tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục để người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định; Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền và cung cấp thông tin dưới nhiều hình thức như qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website… để tư vấn trực tiếp các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và học nghề đến người lao động.
Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ, chi trả đúng chế độ cho người lao động; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động bị mất việc làm, có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận hơn 1.300 hồ sơ); Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động không phải chờ đợi.
Song song với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc mở 3 văn phòng đại diện đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố Yên Lạc, Lập Thạch, Phúc Yên, làm việc hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Cùng với đó, cán bộ các văn phòng đại diện sẽ hướng dẫn, giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; kết nối thông tin thị trường lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết hỗ trợ học nghề đối với người lao động thất nghiệp...
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, trong quý I/2023, trung tâm tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 34 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng hơn 2.400 lao động; tư vấn việc làm, đào tạo nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 10.843 lượt người; thẩm định 1.204 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 112,7% so với cùng kỳ năm 2022)”.
Trung tâm ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho 1.187 người; tiếp nhận khai báo tìm kiếm việc làm của 11.023 lượt lao động; Hỗ trợ học nghề cho 113 người; phối hợp mở 2 lớp liên kết đào tạo nghề tin học văn phòng cho 49 lao động thất nghiệp. Từ đó, trung tâm giúp người lao động phần nào giải tỏa áp lực trong thời gian tìm kiếm việc làm mới để có thể tiếp tục trở lại thị trường lao động.
Để giải quyết kịp thời chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục tổ chức và đa dạng các hình thức hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc cho biết, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2023 tạo việc làm tăng thêm cho 16.000 - 17.000 lao động, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. |