Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh, Robusta lại phá kỷ lục Nhờ giá cao, kim ngạch xuất khẩu cà phê quý I/2024 tăng vọt 57,3% |
Kết phiên giao dịch ngày 9/4, giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều, với giá cà phê Arabica tăng trở lại, trong khi Robusta tiếp tục giảm.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 giảm 14 USD/tấn, ở mức 3.728 USD/tấn; giao tháng 7/2024 giảm 10 USD/tấn, ở mức 3.673 USD/tấn.
Ngược lại, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 2,45 cent/lb, ở mức 213,55 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 2,4 cent/lb, ở mức 211,85 cent/lb.
Giá cà phê Arabica tăng do đồng Real Brazil tăng lên mức cao nhất trong 1,5 tuần so với đồng USD. Điều này khiến nông dân Brazil hạn chế bán hàng ra do thu về ít đồng nội tệ hơn.
Giá cà phê trong nước tương đối ổn định so với ngày hôm qua, giao dịch cao nhất tại 105.000 đồng/kg tở Đắk Nông và Đắk Lắk; thấp nhất tại Lâm Đồng ở 104.000 đồng/kg.
Lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Việt Nam sẽ hạn chế sản lượng cà phê Robusta trong nước và đẩy giá mặt hàng này lên mức cao vào thứ Năm tuần trước và cà phê Arabica lên mức cao nhất trong 6 tháng qua.
Tập đoàn Marex Group Plc dự báo thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu năm 2024/25 là khoảng 2,7 triệu bao mà nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt sản lượng từ Việt Nam.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống hàng đầu, thừa nhận lượng hàng trong kho của doanh nghiệp chỉ đủ bán đến khoảng tháng 5, trong khi phải đến tháng 10/2024 mới đến vụ thu hoạch cà phê mới.
Đây là minh chứng cà phê 2023-2024 thực sự mất mùa dù nhiều người vẫn chưa tin điều này vì cho rằng cà phê vẫn đang còn được trữ đâu đó. Theo ông Hiệp, sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2023-2024 bị hụt từ 17%-20% do năng suất giảm và nhiều diện tích trồng cà phê đã bị chuyển đổi sang cây trồng khác.
Robusta chịu áp lực hôm thứ Ba sau khi Tổng cục Hải quan báo cáo rằng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 188.972 tấn, tăng 17,7% so với tháng trước, nhưng giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch đạt gần 672 triệu USD, tăng 27,1% so với tháng trước và tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 3/2024 tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua |
Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2024 giảm mạnh so với số liệu ước tính trước đó là 400.000 tấn. Tính chung trong quý I/2024, lượng cà phê xuất khẩu đạt 585.696 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt gần 1,93 tỷ USD, tăng mạnh 56,7%.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 3/2024 tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua, đạt 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 55,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong quý I/2024 đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê được các chuyên gia trong ngành cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để tăng vì những lo ngại về nguồn cung đang diễn ra. Các nguồn cung lớn, có tầm ảnh hưởng đến thị trường như Việt Nam và Indonesia đang trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Kết quả là, xuất khẩu của họ dự kiến sẽ giảm hơn 1/5 trong năm nay.
Điều kiện thời tiết ở Việt Nam hiện vẫn được cho là khô nóng, mặc dù đã có mưa ở một số nơi, nhưng một số vùng sản xuất chính chưa hề nhận được lượng mưa cần thiết trong tình hình sông hồ đều cạn nước. Theo dự báo thời tiết, lượng mưa sẽ tăng dần vào cuối tháng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, cà phê Robusta Việt Nam có vị trí tương đối vững chắc và không dễ thay thế trên thị trường thế giới. Dù nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao nhưng cà phê Việt vẫn được các nhà rang xay nước ngoài săn đón. Điều này tạo cơ sở và dư địa để giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng.
Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), giá cà phê Robusta thế giới tiếp tục tăng mạnh 8,2% trong tháng 3 và duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 1994. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu cũng ghi nhận mức kỷ lục mới.
Báo cáo của ICO cho thấy, giá cà phê thế giới được tổng hợp vào theo dõi bởi cơ quan này đạt bình quân 186,4 US Cent/lb trong tháng 3, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 181,4 - 193,3 US Cent/lb.
Như vậy, giá cà phê thế giới đã tăng 6 tháng liên tiếp và đang ở mức cao nhất trong 18 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cà phê Robusta tiếp tục tăng mạnh 8,2% so với tháng trước lên mức cao nhất trong gần 30 năm, đạt bình quân 165,8 US Cent/lb.
Trong khi đó giá cà phê Arabica lại biến động trái chiều, với Aarabica Brazil giảm nhẹ 0,5% xuống còn bình quân 185,8 US Cent/lb.