Kết nối doanh nghiệp nông sản Việt Nam - EU Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Lưu ý cơ chế CBAM Việt Nam - Ba Lan: Khai thác tối đa cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU |
Thông tin tại buổi tiếp Đoàn Nghị sỹ phụ trách quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á (DASE) của Nghị viện Châu Âu (EP) do ông Daniel Caspary làm Trưởng Đoàn, nhân dịp Đoàn sang thăm Việt Nam từ ngày 19-21/6, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao vai trò hợp tác liên nghị viện, các chính sách của EU trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trong đó có các sáng kiến của EU và các nước thành viên nhằm tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, EU hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu cũng đang duy trì các kênh trao đổi, đối thoại hiệu quả, góp phần tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực chính trị, thương mại, hợp tác đầu tư… Việt Nam và EU đã ký nhiều hiệp định quan trọng, tạo khung pháp lý thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với ASEAN và các nước Đông Nam Á của Nghị viện Châu Âu |
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Nghị viện Châu Âu nói chung và DASE nói riêng tiếp tục ủng hộ tăng cường hợp tác Việt Nam- EU trong thời gian tới, trong đó ưu tiên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để rà soát, định hướng các ưu tiên hợp tác trong thời gian tới; triển khai đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Số liệu thống kê cho thấy, sau gần 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA đã có sự thay đổi tích cực. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỉ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA.
Để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường EU, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai 4 nội dung, bao gồm: Xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội; triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2023.
Đồng thời, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho các CEO, chủ doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng đề nghị các nghị sĩ Nghị viện Châu Âu có tiếng nói thúc đẩy nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Thương mại Việt Nam - EU (EVIPA) và Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Daniel Caspary cảm ơn Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã dành thời gian tiếp đoàn. Chia sẻ về sự phát triển ấn tượng trong quan hệ Việt Nam - EU, ông Daniel Caspary khẳng định Nghị viện Châu Âu, trong đó có DASE, ủng hộ mạnh mẽ tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên, trong đó tập trung thúc đẩy đối thoại chính trị, hợp tác thương mại - đầu tư, chuyển đổi năng lượng công bằng…
Nghị viện Châu Âu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam thông qua các kênh hợp tác hiện nay để trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác cũng như giải quyết những vướng mắc phát sinh trên tinh thần đối thoại tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Nghị viện Châu Âu tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, đặc biệt trong bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.