Tuyên Quang mong muốn đưa Lễ hội Thành Tuyên trở thành thương hiệu quốc gia Sắp diễn ra tọa đàm 'Nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia trong 'sân chơi' thương mại toàn cầu' |
Cần những doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt
Trong những năm qua, Việt Nam không chỉ được thế giới đánh giá là điểm sáng trong bức tranh phục hồi kinh tế mà còn trong xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Đây là kết quả nỗ lực của hơn 20 năm qua từ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của Bộ Công Thương và của các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa định hướng về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được từ chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tại toạ đàm, ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng phòng Phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến nay, Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Thủ tướng phủ ban hành từ năm 2003, đến nay đã triển khai tổ chức được 20 năm. Qua 21 năm, chúng tôi là cơ quan thường trực của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí triển khai rất nhiều hoạt động, thường xuyên, liên tục.
Các diễn giả tham dự Tọa đàm Nâng tầm giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong ''sân chơi'' thương mại toàn cầu do Báo Công Thương tổ chức |
Cho đến nay, qua tổng kết, đánh giá, Việt Nam đã có nhiều thành tích nhất đinh. Những điểm sáng lớn có thể nhận thấy là: Đầu tiên, quan trọng nhất là nhận thức về sự cần thiết và hiệu quả trong xây dựng và phát triển thương hiệu đối với sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Từ nhận thức đó, các cấp, các ngành ban hành nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, các hiệp hội cũng đồng hành cùng chương trình để tổ chức, triển khai nhiều hoạt động xây dựng thương hiệu cho mình. Vì vậy, qua số liệu thống kê, hàng năm, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều.
"Từ năm 2008 - lần đầu tiên chúng tôi xét chọn các thương hiệu sản phẩm quốc gia, có 30 doanh nghiệp được công nhận là thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, sau 8 kỳ xét chọn, năm 2022, Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp - số lượng tăng lên 6 lần. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia lên tới hàng nghìn, vì những hệ thống tiêu chí rất khắt khe của chương trình" - ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Cường, số lượng doanh nghiệp tham gia vẫn còn hạn chế nên chúng ta vẫn phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp để đồng hành cùng chương trình, phát huy giá trị cốt lõi để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Thành quả thứ hai, có thể thấy rất rõ là trên sân chơi toàn cầu hiện nay, Việt Nam đã có những thương hiệu lớn, được thế giới ghi nhận. Đơn cử như Vinamilk, một trong năm thương hiệu có tính bền vững cao nhất thế giới.
Cũng theo tổ chức WTO ghi nhận, Việt Nam có tới 20 sản phẩm, ngành hàng nằm trong top 10 thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu này chỉ ở góc độ B2B nhưng cũng được hơn 200 quốc gia trên thế giới nhập khẩu và tiêu dùng.
Thành quả thứ ba là các thương hiệu sản phẩm về ngành hàng góp phần tạo nên giá trị thương hiệu quốc gia. Chúng ta liên tục có tốc độ tăng trưởng 2 con số trong 5 năm vừa qua và ghi nhận tăng hơn 100%. Đó thực sự là con số biết nói.
"Tôi cho rằng, trước hết là nhờ Chương trình Thương hiệu Quốc gia và nhiều chương trình khác của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cùng đồng hành, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm và ngành hàng" - ông Cường nói.
Ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng phòng Phòng Phát triển Năng lực Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) |
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nhìn nhận, số lượng và chất lượng các Thương hiệu Quốc gia còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu do các tác động từ bên ngoài như Covid-19, địa chính trị, sự cạnh tranh của các thương hiệu nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể mất một vài năm để sánh vai được với họ" - ông Cường nói.
Một trong những lý do bắt nguồn từ việc, với nguồn lực hạn chế và nhận thức của doanh nghiệp hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn coi việc xây dựng thương hiệu là một khoản chi phí cắt giảm, mà chưa coi đó là khoản đầu tư để xây dựng thương hiệu bền vững.
Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế nên việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp chưa tạo ra những đột phá, trừ một số thương hiệu có thế mạnh đặc biệt.
Nâng thương hiệu quốc gia mạnh về chất
Đánh giá về số lượng cũng như chất lượng của các Thương hiệu Quốc gia hiện nay, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong 21 năm qua với sự cố gắng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cơ quan ban hành như Bộ Công Thương, Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các cơ quan hữu quan, đến nay, phong trào xây dựng chương trình Thương hiệu Quốc gia đã trở thành một trong những phong trào mạnh mà các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đều hướng đến. Trong những giai đoạn đầu từ năm 2003 đến 2015 chúng ta có rất ít nhưng đến nay chúng ta có khoảng 150 thương hiệu quốc gia.
Với việc tăng cả số lượng và giá trị cho thấy thương hiệu doanh nghiệp đang tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhấn mạnh đến 3 yếu tố: Một là, doanh nghiệp cần phải nâng thương hiệu quốc gia mạnh về chất. Theo đó, thương hiệu quốc gia phải định danh chất lượng của sản phẩm hàng hóa mới thể hiện được thương hiệu đó tồn tại là hợp lý và ăn sâu vào tâm trí cũng như đi vào thị trường tiêu dùng quốc tế.
Hai là, đổi mới sáng tạo, là một trong vấn đề cơ bản để từ đó các thương hiệu nâng cấp chất lượng và thỏa mãn nhu cầu, yêu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt đổi mới sáng tạo được đánh giá là một yếu tố có ý nghĩa quan trọng để các thương hiệu tự mình xây dựng, phát triển thương hiệu trên trường quốc tế.
Ba là, năng lực tiên phong, làm sao để doanh nghiệp trở thành những người đưa ra các kiểu dáng, mẫu mã cũng như đi tiên phong, hướng dẫn lại xu hướng tiêu dùng của xã hội. Đó là yếu tố làm cho một doanh nghiệp có thể tồn tại lâu dài và phát triển mạnh mẽ trong thị trường quá đa dạng và có nhiều tên tuổi lớn khác. Chúng ta có Thương hiệu Quốc gia sẽ có nhiều lợi ích, nhiều sản phẩm nâng tầm, xuất khẩu thuận lợi, góp phần nâng cao giá trị cho doanh nghiệp.
Bà Đinh Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin chia sẻ tại tọa đàm |
Nhờ sự trợ lực từ Thương hiệu Quốc gia, sản phẩm của Công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin đã ngày càng định vị được không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Chia sẻ về những giá trị từ chứng nhận mang lại, bà Đinh Hoài Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin cho biết, công ty luôn nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ là câu chuyện về chất lượng sản phẩm mà còn là cách thức doanh nghiệp truyền tải giá trị của mình đến khách hàng và đối tác.
"Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã giúp Secoin có được một nền tảng vững chắc hơn để định vị thương hiệu trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Việc được công nhận là Thương hiệu Quốc gia đã tạo ra một niềm tin lớn hơn từ phía đối tác, đặc biệt là các đối tác quốc tế, khi chúng tôi làm việc với họ về xuất khẩu và hợp tác phát triển" - bà Giang nhấn mạnh.
Cũng theo bà Giang: "Chúng tôi tin rằng giá trị của thương hiệu không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở khả năng đồng hành cùng người tiêu dùng, mang lại những giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển bền vững".