Thứ sáu 11/04/2025 05:47

Việt Nam đứng số 1 thế giới về sản lượng hồ tiêu

Với sản lượng 170.000 tấn, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu; kế tiếp là Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Malaysia.

Việt Nam - quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong năm 2024 phần nào ảnh hưởng đến việc sản xuất hồ tiêu của người nông dân. Tuy nhiên, một số khu vực các tỉnh lại ghi nhận diễn biến tình hình thời tiết thuận lợi. Tại Đắk Nông, thủ phủ của hồ tiêu Việt Nam, sản lượng được ghi nhận tương đương năm ngoái.

Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu

Sản xuất tại một số khu vực tại các tỉnh trọng điểm còn lại như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chiều hướng tích cực khi giá hồ tiêu tăng nên người nông dân mạnh dạn đầu tư chăm sóc, phục hồi vườn tiêu hiện có. Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn thứ 2 được đánh giá là giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và không có nhiều hiện tượng trồng mới.

Sau khi đạt mức kỷ lục 290.000 tấn vào năm 2019, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục giảm qua các năm. Năm 2023, sản lượng nhích một chút, lên 190.000 tấn (tăng hơn 3,8%) so với 183.000 tấn năm 2022.

Sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170.000 tấn và đây có thể là mức sản lượng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ năm 2015.

Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 318,3 triệu USD, tiêu đen đạt 1 tỷ 117,7 triệu triệu USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD. So với năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.

Ấn Độ vươn lên là quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn thứ 2

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Brazil để trở thành quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn thứ 2 trên thế giới, tuy nhiên, phần lớn sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ được tiêu dùng trong nước. Năm 2024, sản lượng hồ tiêu Ấn Độ đạt 125.000 tấn và là quốc gia ghi nhận sản lượng sản xuất hồ tiêu tăng cao nhất với khoảng 7% (8.000 tấn) so với năm 2023. Tuy nhiên, tình hình được IPC dự báo không khả quan trong năm tới, khi sản lượng giảm có thể lên đến 38%.

Tính đến tháng 10/2024, Ấn Độ đã xuất khẩu 16.807 tấn hồ tiêu, tăng 34% (4.234 tấn) so với cùng kỳ năm 2023 và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong khi đó, lượng nhập khẩu của Ấn Độ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 17.428 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam, Sri Lanka và Brazil là 3 quốc gia cung cấp chủ yếu cho Ấn Độ.

Theo dữ liệu IPC, giá FOB tiêu đen xuất khẩu Ấn Độ ghi nhận mức tăng 11%, mức tăng thấp nhất trong các quốc gia sản xuất, từ mức trung trung bình 6.713 USD/tấn trong năm 2023 lên 7.460 USD/tấn trong năm 2024.

Brazil ghi nhận sản lượng hồ tiêu sụt giảm cao nhất

Theo IPC, năm 2024, Brazil là quốc gia ghi nhận sản lượng sản xuất hồ tiêu sụt giảm cao nhất với khoảng 29% tương đương 28.000 tấn từ mức 98.000 tấn xuống còn 70.000 tấn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng khô hạn dẫn tới thiếu nước tưới. Tuy nhiên, IPC dự báo tình hình sẽ khả quan hơn trong năm 2025 nếu điều kiện khí hậu và thời tiết thuận lợi.

Theo Comexstat, năm 2024, Brazil đã xuất khẩu 61.665 tấn hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt 286,1 triệu USD. So với năm 2023, lượng xuất khẩu giảm mạnh 23,6% (19.037 tấn) trong khi kim ngạch lại tăng 13,4%.

UAE là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Brazil chiếm 13,3% và tăng 7,1% so với năm 2023 đạt 8.179 tấn. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 chiếm 12,3%, tuy nhiên lượng xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam lại giảm tới 54,5% đạt 7.556 tấn. Pakistan xếp vị trí tiếp theo đạt 6.572 tấn, tăng 4,4%.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh, đạt 3.728 tấn so với 301 tấn xuất khẩu của năm trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Đức cũng tăng 14,1% đạt 4.193 tấn sau khi Brazil hoàn thành các nhà máy xử lý được vi khuẩn Samonella.

Giá FOB tiêu đen xuất khẩu của Brazil ghi nhận mức tăng mạnh so với các quốc gia sản xuất với mức tăng 48,4%, từ mức trung trung bình 3.125 USD/tấn trong năm 2023 lên 4.639 USD/tấn trong năm 2024.

Malaysia - quốc gia ở vị trí thứ 4 có mức tăng sản lượng

Malaysia là quốc gia ở vị trí thứ 4 có mức tăng sản lượng trong năm 2024 theo báo cáo của IPC, với mức tăng khoảng 2.000 tấn đạt 25.000 tấn. Mức tăng này có thể tiếp tục được duy trì trong năm tới.

Tính đến tháng 10/2024, Malaysia xuất khẩu 4.788 tấn hồ tiêu, giảm nhẹ so với năm 2023. Theo xu hướng chung, so với năm 2023, năm 2024 Malaysia cũng ghi nhận mức tăng 37% đối với giá FOB tiêu đen và 26% đối với tiêu trắng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), thế giới đã ghi nhận sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm khoảng 4% so với 2023, tương đương 22.000 tấn, còn 558.000 tấn. Lượng sụt giảm này chủ yếu đến từ Brazil và Việt Nam.

Giá FOB trung bình tiêu đen của các quốc gia sản xuất chính trong năm 2024 tăng khoảng 45% so với năm trước. Trong khi đó, Giá FOB trung bình tiêu trắng ghi nhận mức tăng thấp hơn với khoảng 34%.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường Hoa Kỳ

Tin cùng chuyên mục

EU ‘siết’ nhập khẩu thép và điện tử, thương vụ cảnh báo nóng

Chủ động thích ứng, xuất khẩu gỗ hướng đến 18 tỷ USD

Chính sách thuế quan tác động gì tới người tiêu dùng Mỹ?

Xuất khẩu sang EU: Đừng để thói quen làm mất thị trường

Nhìn lại những lần doanh nghiệp Việt vượt 'bão' thuế quan: Bộ Công Thương luôn sát cánh

Giá gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp chưa vội chốt đơn hàng

Thức ăn cá tra cần một chiến lược công thương trước sóng thuế quan

TS Võ Trí Thành: Từ thách thức thuế quan đến cơ hội cải cách kinh tế

Các lô hàng đang trên đường đến Mỹ bị áp thuế ra sao?

Argentina tuyên bố thoả thuận thuế 0%, Campuchia đề nghị 5% với Mỹ

Kiểm soát thương mại chiến lược: Đòn bẩy tái cân bằng xuất nhập khẩu

Bộ trưởng Bộ Tài chính cập nhật kịch bản tăng trưởng mới

Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 202,52 tỷ USD

Giảm thuế nhập khẩu với Hoa Kỳ: Mở cửa thị trường, giữ chắc nền móng

Đàm phán thuế quan Việt - Mỹ trên bàn cờ lớn: Một vài khuyến nghị

Hiệp hội Logistics Việt Nam thành lập tổ phản ứng nhanh tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp

Bộ Công Thương sẽ xây dựng website riêng về xuất xứ hàng hóa

Chưa vội điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu: Bình tĩnh nhìn tổng thể

Hàng Việt xuất khẩu vào Bắc Âu trước thách thức có thêm cơ hội mới

Kiểm soát thương mại chiến lược: Không thể chậm trễ