Nhiều "điểm nghẽn" kìm chân phân khúc bất động sản cho thuê Chờ đợi gì vào thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024? |
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã trải qua khoảng thời gian khó khăn và phải chứng kiến nhiều “cuộc chia ly”. Theo thống kê, bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với những kịch bản mà không một ai mong muốn đó là phá sản, tạm dừng hoạt động, cắt giảm lương, tái cấu trúc… Còn những doanh nghiệp may mắn tồn tại trên thị trường thì hầu hết đều trầy trật để hoạt động, hoặc “nằm im” để nghe ngóng diễn biến của thị trường.
Các doanh nghiệp đang đau đầu tìm cho mình lối đi đúng hướng, giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Cùng với việc sức khỏe của doanh nghiệp đang thực sự “có vấn đề” khi thiếu vốn để rót vào các dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai thi công. Đây có lẽ là bài toán đau đầu nhất mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang chưa có lời giải.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang chờ dòng tiền được khơi thông, để thị trường không phải chứng kiến những “cuộc chia ly”. |
Điều này vô hình chung dẫn đến việc nguồn cung các phân khúc bất động sản rất eo hẹp. Đó cũng là nguyên nhân đẩy tình trạng giá nhà đất, đặc biệt là phân khung chung cư leo thang trong suốt một thời gian dài cho đến nay.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm, nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000, năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm. Năm 2021, thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để, khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm. Năm 2023, nguồn cung có sự cải thiện nhẹ lên 55.000 sản phẩm và nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển như thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, lao động, nội thất…
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản có ảnh hưởng sâu rộng tới rất nhiều ngành nghề liên quan khác. Theo thống kê, bất động sản ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong đó có 4 nhóm ngành lớn là tài chính ngân hàng, xây dựng, du lịch, lưu trú.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: Sự tắc nghẽn dòng tiền trên thị trường bất động sản, vô hình chung cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp của ngành nghề liên quan khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. |
“Sự tắc nghẽn dòng tiền trên thị trường bất động sản, vô hình chung cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp của ngành nghề liên quan khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng thất nghiệp cũng lan rộng từ bất động sản sang rất nhiều ngành nghề, gây ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội nói chung”, ông Khánh đưa ra nhận định.
Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, nguồn vốn luôn là “áp lực” đối với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Mặc dù nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các bộ luật mới được thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, nhưng nhịp phục hồi của thị trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu vấn đề về “nguồn vốn” không được khơi thông.
Theo các chuyên gia, cần có đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản. Điều này phải xuất phát từ nhiều phía trong đó Chính phủ, các bộ ngành và hệ thống ngân hàng cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ba bộ luật vừa thông qua đã nêu ở trên.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, phía Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn như việc hoãn nợ các khoản vay đến hạn, tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.
Khi có "liều thuốc" hữu hiệu trên, có lẽ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ "hồi sức" và tiếp tục tham gia vào cuộc chơi đang rất khốc liệt trên thị trường.