Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về Dự thảo Thông tư quy định các chỉ tiêu thông tin để thực hiện thủ tục hải quan với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Hiện nay, các tờ khai thông quan hàng hoá tại Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp khai mã HS của từng hàng hoá. Mã HS áp dụng cho hàng hoá thương mại điện tử hoàn toàn giống như mã HS cho hàng hoá xuất nhập khẩu thông thường.
VCCI đánh giá cách quy định như vậy là chưa phù hợp và chưa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thương mại điện tử vì 2 lý do sau.
Thứ nhất, số lượng mã HS cần khai trong một chuyến hàng là vô cùng lớn. Đặc điểm của hoạt động vận chuyển hàng hoá thương mại điện tử xuyên biên giới là trong một chuyến hàng có rất nhiều đơn hàng, các hàng hoá trong từng đơn hàng và trong chuyến hàng rất phong phú và khác nhau.
Thứ hai, việc xác định mã HS rất phức tạp. Từ kinh nghiệm thực hiện xuất nhập khẩu thông thường của các doanh nghiệp, việc xác định mã HS của một số hàng hoá thường gây khó khăn. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông có nhu cầu tương đối lớn yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số.
Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD vào 2025 |
Nếu áp dụng tương tự, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá thương mại điện tử sẽ gặp phải tình trạng tương tự như trên. Việc xác định mã HS này thường rất tốn thời gian trong khi người mua online không đủ kiên nhẫn chờ hàng, dẫn đến tình trạng huỷ đơn, không nhận hàng, gây thiệt hại cho người bán và sàn thương mại điện tử.
Thực tế, yếu tố quan trọng nhất trong việc thông quan hàng hoá thương mại điện tử nằm ở việc đơn giản hoá thủ tục hải quan để hàng hoá nhanh chóng đến tay người tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro phải khai sửa đổi hoặc bị truy thu thuế cho doanh nghiệp.
Do vậy, VCCI khuyến nghị việc xác định dòng thuế và thuế suất với hàng hoá thương mại điện tử nên được đơn giản hoá. Chẳng hạn, biểu thuế xuất nhập khẩu với hàng hoá thương mại điện tử sẽ gồm một vài “giỏ hàng hoá”, được hình thành dựa trên việc gộp các mã HS lại, ví dụ giỏ hàng hoá 1 gồm quần áo, trang phục, giày dép, bộ đồ giường và hàng dệt may khác; giỏ hàng hoá 2 gồm máy tính, thiết bị điện, điện thoại, tai nghe, micro điện thoại;… Mỗi giỏ hàng hoá sẽ được gán một mức thuế suất nhất định.
VCCI lấy ví dụ: Thực hiện theo cách trên, doanh nghiệp có thể đơn giản phân loại một bộ quần áo kiểu unisex thuộc giỏ 1 (quần áo) thay vì phải tranh luận với cơ quan hải quan sản phẩm này thuộc nhóm HS 61.04 – Bộ comlê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, áo khoác thể thao, áo váy dài, váy, chân váy, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soocs (trừ quần áo bơi) dùng cho phụ nữa hoặc trẻ em gái, dệt kim không hoặc móc hay thuộc nhóm HS khác.
VCCI cho biết việc xây dựng biểu thuế xuất nhập khẩu theo vài “giỏ hàng hoá” đã được áp dụng tại Canada từ năm 2012 với 3 giỏ hàng hoá thay cho gần 5.400 mã HS.