Đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế Bảo hiểm y tế: Đóng góp khi lành để dành khi ốm |
Đây là thông tin được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp tại Hội nghị thông tin định kỳ về chính sách bảo hiểm y tế, ngày 8/7.
Chính sách bảo hiểm y tế ngày càng được phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng |
Giải quyết kịp thời các chế độ
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 1/7 hằng năm là “Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam”. Theo đó, ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo hiểm y tế; khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác bảo hiểm y tế và cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chính sách bảo hiểm y tế ở nước ta ngày càng được phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia. Đặc biệt, người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Thời gian qua, quỹ bảo hiểm y tế đã tạo nguồn tài chính chủ lực và có đóng góp đáng kể cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh, một trong những thành tựu quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế là tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở nước ta có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm. "Nếu như năm 2009, 2015 độ bao phủ bảo hiểm y tế lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số. Cùng với đó, trung bình hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi"- ông Ánh cho hay.
Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội nhấn mạnh, quỹ bảo hiểm y tế đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
6 tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã chủ động, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ứớc thực hiện đến hết tháng 6/2022 có trên 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.
“Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên hàng đầu, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các Bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”- ông Đào Việt Ánh cho hay.
Kết quả, lũy kế đến hết tháng 6/2022, ước toàn ngành bảo hiểm xã hội đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho gần 6,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; giải quyết khoảng 409 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết cho gần 65 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú…
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đào Việt Anh khẳng định, ngành bảo hiểm xã hội đã và đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế |
Đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế
Tại hội nghị, đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Trưởng Ban chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - ông Lê Văn Phúc cho biết nguyên nhân là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. “Có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động”- ông Phúc thông tin.
Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, ông Lê Văn Phúc nhận định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chính đối với việc thực hiện quy định đấu thầu thuốc, tham gia vào cả quy trình đấu thầu ở cấp Trung ương và đấu thầu tập trung tại địa phương.
Theo đó, trước các bấp cập thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. “Quan điểm của cơ quan bảo hiểm là giám định nhanh nhất có thể với đề xuất để các bệnh viện để có thể nhanh chóng mua sắm thuốc”- ông Phúc nêu rõ.
Chia sẻ thêm về thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Đào Việt Anh khẳng định, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn bám sát thực tiễn để đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, để đảm bảo tính ưu việt, tính toàn diện và dễ tiếp cận trong quá trình điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế trong khám chữa bệnh, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp, tham gia cùng với Bộ Y tế: Xây dựng Thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh từ đó làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh; Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi, bổ sung thuốc vào danh mục; sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế hiện gồm 1.030 loại. Trong đó, có 136 hoạt chất/thuốc được quy định điều kiện chỉ định ưu tiên trong một số trường hợp; 25 hoạt chất được quy định tỷ lệ thanh toán (30%, 50%, 60%, 70%) và 31 hoạt chất được quy định cả điều kiện chỉ định và tỷ lệ thanh toán.
Ngoài ra, có khoảng trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định cho phép thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế (trong có chỉ có 124 dịch vụ/nhóm dịch vụ được quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán), lý do trong 19.000 dịch vụ nêu trên có nhiều dịch vụ cùng tên hoặc khác tên nhưng cùng bản chất, cùng quy trình được sắp xếp tại nhiều chuyên khoa khác nhau dẫn đến trùng lặp; danh mục cũng bao gồm nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ như dịch vụ thẩm mỹ, làm răng giả…; có một số dịch vụ chưa được quy định mức giá thanh toán.