Ngày 26/6, Vietcombank niêm yết đồng USD chiều mua vào và bán ra ở mức 25.250 - 25.470 đồng/USD. Các ngân hàng khác như BIDV, Eximbank, Sacombank... cũng niêm yết mức giá tương tự. Nếu so với mức đỉnh quanh vùng 25.500 đồng hồi giữa tháng 4, tỷ giá USD trong ngân hàng hiện đã hạ nhiệt nhiều và duy trì ổn định trong những ngày qua.
Ngược lại, trên thị trường tự do, một số điểm thu đổi ngoại tệ ở Hà Nội báo giá mua - bán USD ở mức 25.880 - 25.960 đồng/USD. Một số nơi khác báo giá bán ra đến 25.970 đồng/USD, bỏ xa vùng đỉnh cũ trên 25.800 đồng/USD lập hồi tháng 4.
Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tốc độ bán USD để điều tiết thị trường. Theo cập nhật từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nhà điều hành đã bán ra 350 triệu USD trong phiên ngày 24/6 và 600 triệu USD trong phiên ngày hôm qua (25/6).
Luỹ kế từ cuối tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 5,5 tỷ USD ở vùng giá 25.450 VND/USD nhằm hỗ trợ thị trường. ACB dự báo, con số này có thể tiếp tục tăng thêm trong những ngày giao dịch cuối tuần này.
Động thái bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ ngày 19/4 khi tại thời điểm đó VND đã mất giá khoảng 4,9% so với đồng USD.
Trong một báo cáo trước đó, ACB cho biết, sự suy yếu của nhân dân tệ (CNY) và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới có thể sẽ là những áp lực bổ sung cho tỷ giá VND/USD.
Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 5,5 tỷ USD ở vùng giá 25.450 VND/USD nhằm hỗ trợ thị trường |
Trong khi đó, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng mạnh vào thời điểm cuối tháng 6 cùng với hiệu ứng tâm lý từ đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới khiến tỷ giá duy trì đà tăng rõ nét hơn sau khi tương đối ổn định vào hai tuần trước đó. Với diễn biến gần đây, Maybank cho rằng, sẽ rất khó để Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì tốc độ bán USD như hiện nay.
Ngoài động thái bán USD, Ngân hàng Nhà nước còn can thiệp bằng phát hành tín phiếu. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 25/6, trên thị trường mở, qua kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Không có khối lượng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. Song, diễn biến đáng chú ý trong phiên này là khối lượng tín phiếu trúng thầu tăng vọt lên 25.000 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, đồng thời lãi suất trúng thầu cũng được nâng lên 4,3%/năm từ mức 4,25% trong phiên trước đó.
Cũng trong phiên 25/6, có 3.700 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và không có thành viên thị trường trúng thầu trên kênh cầm cố. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 21.300 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 127.960 tỷ đồng, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Trước đó, từ phiên 21/6, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh trong hoạt động phát hành tín phiếu khi giảm kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày, sau thời gian dài chào bán tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày.
Động thái giảm kỳ hạn và tăng lãi suất trúng thầu tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được giới chuyên môn nhận định nhằm nâng cao mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu, nhất là khi lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dưới 1 tháng giảm mạnh trong tuần trước. Bên cạnh đó, việc giảm kỳ hạn tín phiếu sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động hơn trong việc điều tiết thanh khoản khi giai đoạn cao điểm cuối quý đang tới gần.
Giới phân tích cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Thực tế, trong suốt hơn 2 tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp. Điều này cũng tạo áp lực đối với dự trữ ngoại hối.