Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Vì thế, ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới Công Thương Việt Nam. |
Ngày 13/10/1945, sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới Công Thương Việt Nam. Trong bức thư, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Cũng trong bức thư gửi giới Công Thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công Thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân." Cũng vào mùa thu năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ, ngân quỹ trung ương chỉ còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng rách nát chờ tiêu huỷ; nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, nhằm thu nhận hiện vật mà nhân dân quyên góp cho Chính phủ. |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, các doanh nhân, nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào "Quỹ Độc lập" và "Tuần lễ Vàng" trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370 kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập. Tiêu biểu trong số đó là vợ chồng doanh nhân, bà Hoàng Thị Minh Hồ và ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng. Bên cạnh đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, thu nhận sự đóng góp của các nhà tư sản, năm 1953, trong tác phẩm “thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam, trong đó có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân và kinh tế tư bản của tư nhân. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kinh tế quốc doanh là “Công”. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Còn “Tư” là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. |
Từ tư tưởng của Người, năm 1963, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 58-CP phê chuẩn bản Điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đây là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, có hoạt động nhằm phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân liên tục được hiện thực hoá vào thực tiễn. Theo đó, Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12/1986 đã khởi xướng công cuộc đổi mới với những chính sách kinh tế nhiều thành phần, gồm kinh tế - xã hội chủ nghĩa; kinh tế cá thể; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao. Từ đó đến nay, nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng rõ nét. Cụ thể, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế khẳng định: “Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước”. |
Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế… Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Từ Nghị quyết 09-NQ/TW, lần đầu tiên, cụm từ “doanh nhân” đã được xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013. Các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII và nhiều Nghị quyết, văn bản của Đảng đã xác định, đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân. Nghị quyết 09-NQ/TW cũng nêu rõ: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Từ đó, đặt mục tiêu, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á. |
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đồng thời đặt mục tiêu, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. |
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. |
Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết 41-NQ/TW đã đưa ra 7 giải pháp cụ thể, bao gồm: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức với sự lãnh đạo của Đảng; Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. * Bài 2: Doanh nghiệp “chung vai” chia sẻ khó khăn cùng đất nước |
Thực hiện: Nguyễn Hoà - Nhật Khôi |