Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cũng xác định một trong những đột phá chiến lược của đất nước là “phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Từ những định hướng, quyết sách trên, hoạt động phát triển khoa học, công nghệ của đất nước đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tích nổi bật, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Chi ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ tăng dần đều qua các năm, nhiều công trình khoa học áp dụng vào thực tiễn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội hàng nghìn tỷ đồng mà còn ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương liên quan đến vấn đề này.
Khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò không nhỏ trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua, đạt 45%, vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra là mức 30 - 35%. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được tạo ra, tiếp thu, làm chủ và áp dụng trong các doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trình độ khoa học và công nghệ Việt Nam thời gian qua?
Nhìn tổng thể trong nhóm các nước đang phát triển, thì Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo ở mức khá, có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ qua các năm. Nhưng nếu so sánh với quốc tế, nhất là soi chiếu theo yêu cầu để thay đổi mô hình tăng trưởng thì chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ, trăn trở.
Hiện nay chúng ta coi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, công nghệ số như thời cơ vàng để các nước đang phát triển không chỉ còn đi theo, đi sau bắt kịp mà có cơ hội đi cùng với các nước phát triển ở những khía cạnh nhất định. Với cuộc cách mạng mới này, cùng với tiềm năng của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể có những bước nhảy vọt để đi cùng thời đại, đi cùng thế giới.
TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế |
Tôi nghĩ có 3 yếu tố chính để khoa học công nghệ thực sự đột phá, trở thành điểm tựa thúc đẩy sự phát triển bền vững, sáng tạo.
Thứ nhất là cơ chế chính sách, có thể gọi là hệ thống động lực. Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện thiết thực cho doanh nghiệp, con người nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.
Thứ hai, cần thay đổi nhận thức về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trước đây, chúng ta nhìn hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có 3 chiều cạnh: Nhà nước, viện/trường đào tạo và doanh nghiệp; trong đó nhà nước giữ vai trò trung tâm. Bây giờ chúng ta phải đổi mới, vẫn là các chiều cạnh đó nhưng doanh nghiệp phải giữ vai trò trung tâm.
Thứ ba, chú trọng thu hút, đào tạo, khuyến khích, giữ chân nhân tài. Với tiềm năng của Việt Nam, chúng ta phải đào tạo được lớp người thực sự say mê, đau đáu với khoa học công nghệ.
Tôi nghĩ với những điều này chúng ta mới có thể đột phá và đi cùng thế giới về khoa học công nghệ.
Như ông vừa chia sẻ thì từ trước đến nay Nhà nước đóng vai trò trung tâm về phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, có một thực tế là dù chi ngân sách cho nhiệm vụ khoa học công nghệ luôn tăng hằng năm nhưng tại nhiều địa phương, bộ ngành lại tồn tại cảnh “có tiền mà khó tiêu, tiêu không hết”. Đồng thời, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đối với lĩnh vực khoa học công nghệ chưa được chú trọng, quan điểm của ông về vấn đề này?
Để nhìn nhận phí tổn trong nghiên cứu khoa học công nghệ là không đơn giản. Trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, chi phí này gọi là chi phí cơ hội. Phí tổn trong nghiên cứu khoa học có tính rủi ro nhất định, đó là tính chất đặc trưng của nghiên cứu khoa học công nghệ. Sự rủi ro có thể nằm ở rất nhiều khâu, trong quá trình ra đề, triển khai, giám sát, đánh giá… Và chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Trong cuộc chơi này, rủi ro có thể là 100%, 90%, nhưng nếu chiến thắng thì nó đem lại lợi ích to lớn chưa từng có. Hãy nhìn vào các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, họ đang làm gì, họ làm như thế nào, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều. Như vậy, cơ chế chính sách cũng cần lưu ý để có thể tạo điều kiện, tạo động lực cho doanh nghiệp.
Tôi muốn nói là để diễn giải được, đánh giá đầy đủ câu chuyện chi phí lợi ích của nghiên cứu khoa học công nghệ cũng như sản phẩm khoa học công nghệ là rất khó. Nhưng dù rủi ro đến đâu thì chúng ta vẫn cần nó, vẫn phải dám chơi. Không dám chơi thì mãi mãi lẹt đẹt. Do đó đầu tư vào khoa học công nghệ vẫn phải mạnh mẽ, cả về sản phẩm, đề án, dự án và cả con người.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngày càng được đẩy mạnh |
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ ngân sách nhà nước, quan điểm của ông về vấn đề này và cơ chế đặc thù mà chúng ta cần thực hiện ở đây là gì, thưa ông?
Câu chuyện này rất lớn, phải đi vào từng giải pháp, quy định cụ thể, đặc biệt nếu chi từ ngân sách. Cá nhân tôi cho rằng có mấy điểm rất quan trọng.
Trước tiên, nguyên tắc là công tác chi tùy thuộc vào mục đích của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đồng thời cân nhắc đến tính rủi ro. Mục đích nghiên cứu khoa học có thể là thông qua nghiên cứu để phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học; hoặc tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ.
Thay vì đầu tư theo nghĩa “xóa đói giảm nghèo” cho các nhà khoa học thì phải đặt mục đích làm sao thông qua những dự án nghiên cứu góp phần hình thành đội ngũ nhân tài có năng lực.
Hội đồng/Tổ chức ra đề tài nghiên cứu khoa học không nên “hành chính hóa”, đây phải là những chuyên gia đầu ngành và trong rất nhiều trường hợp có thể có sự tham gia của chuyên gia thế giới, tùy vào mục đích để lựa chọn ra những câu hỏi, những đề bài tốt, từ đó tạo ra kết quả tốt.
Quy trình và thời gian thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ phải đủ rõ ràng, nhưng đừng làm hao tổn sinh lực, thời gian của nhà nghiên cứu vào những câu chuyện như hành chính, giải ngân, để họ tập trung thực hiện chuyên môn.
Một yếu tố quan trọng là cơ chế thực thi phải linh hoạt. Nên phối hợp với doanh nghiệp, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong đầu tư và nghiên cứu khoa học công nghệ.
Cuối cùng, để tạo được hệ thống động lực cho khoa học công nghệ thì còn rất nhiều chuyện phải bàn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần chú trọng hiện nay là sở hữu trí tuệ. Nếu không thực hiện tốt quyền sở hữu trí tuệ, không rõ ràng minh bạch thì không khuyến khích, thúc đẩy được các nhà khoa học. Họ cần được ghi nhận, nghiên cứu của họ phải có giá trị thì mới có động lực để nghiên cứu, phát triển.
Xin cảm ơn ông!