Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 9/2023 Việt Nam xuất khẩu được 16.630 tấn hồ tiêu các loại (trong đó, hồ tiêu đen đạt 14.832 tấn, hồ tiêu trắng đạt 1.798 tấn).
Trung Quốc là nhà mua hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 |
Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 62 triệu USD (hồ tiêu đen đạt 52,9 triệu USD, hồ tiêu trắng đạt 9,1 triệu USD), giảm 15,5% về kim ngạch so với tháng trước.
Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen trong tháng 9/2023 đạt 3.687 USD/tấn, tăng 54 USD và hồ tiêu trắng đạt 5.157 USD/tấn, giảm 28 USD so với tháng 8/2023.
Phúc Sinh vươn lên trở thành doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong tháng 9 đạt 1.389 tấn, tăng 28,1% so với tháng trước và chiếm 8,4% thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Tiếp theo là các doanh nghiệp Olam Việt Nam đạt 1.332 tấn; Nedspice Việt Nam đạt 1.313 tấn; Trân Châu đạt 1.030 tấn...
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 9, đạt 3.842 tấn, giảm 12,2% so với tháng trước. Tiếp theo là các thị trường Trung Quốc đạt 2.193 tấn, tăng 49,7%; Ấn Độ đạt 992 tấn, giảm 50,1%....
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó hồ tiêu đen đạt 183.475 tấn, hồ tiêu trắng đạt 20.910 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD, trong đó hồ tiêu đen đạt 578,2 triệu USD, hồ tiêu trắng đạt 99,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 15,3%, tương đương 27.164 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4%, tương đương giảm 104,5 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3.539 USD/tấn, hồ tiêu trắng đạt 5.068 USD/tấn, giảm lần lượt 15,3% đối với tiêu đen và 14,2% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2022.
Châu Á là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 chiếm 55,9%, đạt 114.343 tấn, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, đứng đầu là Trung Quốc đạt 55.985 tấn, chiếm 27,4% thị phần và tăng 373,6% so cùng kỳ.
Tiếp theo là các thị trường UAE đạt 9.327 tấn, giảm 30,1%; Ấn Độ đạt 9.238 tấn, giảm 18,5%; Philippines đạt 6.020 tấn, tăng 24,7%...
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 37.431 tấn, chiếm 18,3%, tuy nhiên so với cùng kỳ lượng nhập khẩu từ Việt Nam giảm 9,1%. Tính chung cả khu vực châu Mỹ nhập khẩu giảm 7,5%.
Xuất khẩu sang khu vực châu Âu chiếm 18,6% và so cùng kỳ lượng xuất khẩu sang khu vực này giảm 7,1%, trong đó, xuất khẩu sang Đức giảm 14,3%, đạt 6.828 tấn; Hà Lan giảm 9%, đạt 5.958 tấn; Nga giảm 4%, đạt 4.064 tấn; Anh giảm 10,2%, đạt 3.685 tấn...
Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng 70,8%, đạt 3.495 tấn và Pháp tăng 31,4%, đạt 2.849 tấn.
Xuất khẩu hồ tiêu sang châu Phi tăng 9,3%, trong đó, xuất khẩu sang Ai Cập tăng 43,8%, đạt 3.354 tấn; Senegal tăng 32,4%, đạt 1.787 tấn và sang Nam Phi đạt 1.761 tấn, tăng 2%.
Các doanh nghiệp đứng đầu danh sách xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng đầu năm 2023 bao gồm: Nedspice đạt 13.541 tấn, tăng 1%; Olam Việt Nam đạt 13.408 tấn, giảm 37,3%; Trân Châu đạt 13.250 tấn, giảm 37,1% và Phúc Sinh đạt 11.607 tấn, giảm 1,1%...
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng chủ yếu bao gồm: Nedspice Việt Nam, Olam Việt Nam, Pearl Group, Liên Thành và Phúc Sinh. Các thị trường tiêu thụ tiêu trắng chủ yếu: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Thái Lan...
Hiện, khối các doanh nghiệp trong VPA chiếm 63,6% tổng lượng xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, người dân thắt chặt chi tiêu là nguyên nhân khiến các nền kinh tế lớn giảm nhập khẩu hồ tiêu.
Tại thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu hồ tiêu sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ và EU chưa thực sự khởi sắc.
Hiện lượng hồ tiêu xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã hết. Trong các tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ lượng hàng nhập khẩu và tồn kho từ trước.