Nhiều triển vọng…
Theo bà Stephanie Davis – Phó Chủ tịch Google châu Á Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á: Báo cáo của AlphaBeta về “Mở khóa Tiềm năng kỹ thuật số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa, chuyển đổi số có thể mang lại giá trị kinh tế hàng năm lên tới 1.733 nghìn tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030.
Cũng theo báo cáo này, hai trong số những trụ cột hành động chính giúp nắm bắt đầy đủ tiềm năng chuyển đổi số Việt Nam là: Phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước và đào tạo kỹ năng số cho người lao động và sinh viên.
Nếu được tận dụng tối đa, chuyển đổi số có thể mang lại giá trị kinh tế hàng năm lên tới 1.733 nghìn tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030 |
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ và cơ quan chức năng của Việt Nam đã rất chú trọng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đã ban hành những chủ trương, chính sách quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định: Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.
Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, kinh tế phát triển năng động, nhanh, bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhằm thực hiện các chủ trương, định hướng nêu trên, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì dự thảo, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, cụ thể như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017) và các Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định hướng dẫn có quy định nhiều ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025…
“Với những chủ trương, định hướng và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có những điều kiện thích hợp cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Để đạt được mục tiêu bứt phá nền kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP vào năm 2030 như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 vẫn là một thách thức không nhỏ |
Nhưng vẫn khó bứt phá
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do tổ chức WIPO đánh giá xếp Việt Nam thứ 44/126 quốc gia năm 2021. Trong đó, chỉ số cho nhóm các yếu tố “đầu vào” là Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển thị trường, được đánh giá tăng 2 bậc so với 2020. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới ngày càng gia tăng với gần 4 nghìn doanh nghiệp, trong đó đã có 4 doanh nghiệp kỳ lân đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới, tiên tiến, trong đó có vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh.
Mặc dù hệ thống đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu bứt phá nền kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP vào năm 2030 như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 vẫn là một thách thức không nhỏ. Theo đó, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số.
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Để đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. |