Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 642/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch TP. Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… Đồng thời, quy hoạch thành phố phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050 là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Trong định hướng phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh phải đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á vào năm 2045.
Đồng thời, thành phố phải tập trung xử lý những vấn đề trước mắt trong 5 đến 10 năm tới, bao gồm: ùn tắc giao thông, ngập úng do thủy triều và mưa, ô nhiễm môi trường ở các kênh rạch, các khu dân cư có điều kiện sống thấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Quyết định cũng nêu rõ thành phố làm rõ được vai trò, vị trí trung tâm kinh tế của thành phố đối với cả nước, vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng của cả nước; thực trạng sắp xếp, tổ chức các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố; so sánh kinh tế thành phố với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Làm rõ vị trí vai trò trung tâm của thành phố về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp của khoa học, công nghệ vào phát triển thành phố và khu vực; thực trạng phát triển tiềm lực về khoa học, công nghệ...
Chính phủ cũng yêu cầu trong quy hoạch cần định hướng phát triển các ngành quan trọng. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh; phát triển các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chuyển từ hoạt động gia công, lắp ráp sang chế tạo; phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành; chuyển đổi các khu chế xuất và công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu chế xuất và công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đối với ngành dịch vụ-thương mại, phải thể hiện rõ vai trò trung tâm bán buôn, đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm mua sắm của cả nước và quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ hiện đại, kinh doanh trực tuyến.