Địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội
Sáng ngày 12/7/2022, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa và tác động lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất cả nước; được Đảng ta quan tâm thường xuyên, liên tục thể hiện qua Văn kiện Đại hội các nhiệm kỳ và các Nghị quyết chuyên đề cho từng lĩnh vực.
Trong đó, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội; diện tích toàn vùng hơn 21.278 km2 chiếm 6,42% diện tích cả nước, dân số khoảng 22,92 triệu người chiếm khoảng 22% dân số cả nước, với mật độ dân số gần 1,1 ngàn người/km2.
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; là trung tâm khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi khai sinh các vương triều Đại Việt với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều cảnh quan thiên nhiên và hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.
Tài nguyên thiên nhiên gắn với hệ thống sông Hồng, với diện tích lớn đất phù sa và nhiều loại khoáng sản có giá trị lớn. Tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng và phong phú với cảnh quan đẹp, hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các suối nước khoáng, một số hang động bí hiểm lạ mắt, các bãi biển đẹp và nổi tiếng.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị, vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có bước thay đổi rất nhanh chóng. Văn hóa, giáo dục được tập trung đầu tư, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Khoa học công nghệ được quan tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đối số. Nhận thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường ngày càng được tăng cường.
Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Văn hóa chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức,chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững.
"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động. Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung. Một số mục tiêu của Nghị quyết 54-NQ/TW đề ra chưa đạt được" - ông Trần Tuấn Anh nhận định.
Cần đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là 4/10 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, chủ yếu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua.
Từ đó, để thực hiện mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Đồng thời, phát triển các vùng kinh tế là một chủ trương xuyên suốt của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XIII đã yêu cầu: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm.
"Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn" - ông Trần Tuấn Anh nêu.
Để tiếp tục phát triển các vùng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và chủ trương sẽ ban hành các nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng để phát huy được được các tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.
Nghị quyết mới về các vùng cũng là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các Bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách mới và bổ sung nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng và các địa phương trong vùng thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp chặt chẽ với 20 Ban Cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 11 địa phương trong vùng tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Mục tiêu được đặt ra sau khi Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW là đề xuất được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho vùng với các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội vùng trong thời gian tới.
Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường… sẽ tác động sâu sắc đến các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và được Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW hết sức quan tâm.
"Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” hôm nay là một trong chuỗi các hội thảo, hội nghị trong Kế hoạch tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW của Ban Chỉ đạo" - ông Trần Tuấn Anh cho hay.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, khi chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW vào tháng 10/2011, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến các nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2011 - 2020, bao gồm: Tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng; phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội và toàn vẹn lãnh thổ.
Ba giải pháp đột phá được xác định là: Hình thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng; ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách liên kết vùng; tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với vùng đồng bằng Sông Hồng.
"Tôi hy vọng rằng, tại hội thảo khoa học hôm nay, phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, và tham luận của các nhà khoa học sẽ cung cấp các phân tích chuyên sâu và góc nhìn đa chiều về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, từ đó đề xuất những kiến nghị quan trọng về định hướng phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - GS.TS Lê Quân bày tỏ.