Thị trường lao động dự báo sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức trong năm 2023 Bàn luận về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn |
Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đã thu hút sự chú ý đáng kể từ khi ChatGPT được công nhận rộng rãi về khả năng tạo nội dung thông minh. Đây là công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh tiên tiến nhất, có thể tạo ra nhiều loại nội dung, từ soạn báo cáo thị trường đến lập trình ứng dụng…
Những công việc sáng tạo nội dung và mang tính chất lặp đi lặp lại trong văn phòng có nhiều khả năng bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Ảnh minh họa - nguồn Freepik) |
Đánh giá về tác động của trí tuệ nhân tạo đến thị trường lao động Việt Nam, TS. Jung Woo Han - Đại học RMIT - cho rằng, mặc dù đây là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng suất của con người, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn lực lượng lao động. Tuy nhiên, năng suất làm việc cao của trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến việc các tổ chức thuê ít người hơn để sản xuất ra cùng một sản lượng, gây ra một số tổn thất trên thị trường việc làm.
Đáng chú ý, những công việc sáng tạo nội dung và mang tính chất lặp đi lặp lại trong văn phòng có nhiều khả năng bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh, trong đó phải kể đến nghề phân tích thị trường, viết tài liệu kỹ thuật và phát triển website, vốn từng được coi là những nghề ổn định với người có trình độ đại học.
Theo TS. Jung Woo Han, là một nền kinh tế mới nổi vẫn phụ thuộc đáng kể vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi trí tuệ nhân tạo (37,8% lực lượng lao động thuộc ngành dịch vụ so với 79,2% tại Hoa Kỳ vào năm 2021). Do đó, tác động ngắn hạn của trí tuệ nhân tạo tới thị trường việc làm Việt Nam sẽ tương đối thấp so với các quốc gia phát triển.
Nhưng điều này không có nghĩa là thị trường việc làm an toàn trước công nghệ đột phá và một số lĩnh vực dịch vụ nhất định, chẳng hạn như du lịch, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong vài năm tới.
“Chúng ta không nên quên cách AlphaGo đánh bại nhà vô địch thế giới môn cờ vây chỉ sau một năm học trò chơi này vì tốc độ học của trí tuệ nhân tạo nhanh một cách phi thường. Vậy nên, khi trí tuệ nhân tạo tiên tiến kết hợp với công nghệ robot mới nhất, thị trường việc làm trong các lĩnh vực khác có thể bị rúng động” - chuyên gia đến từ Đại học RMIT nói.
Thật vậy, theo ước tính của OpenAI (nhà phát triển ChatGPT), các công việc có trình độ đại học sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với công việc chỉ đòi hỏi bằng cấp trung học vì người có trình độ học vấn làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ có yêu cầu sáng tạo nội dung nhiều hơn. Không chỉ vậy, khả năng tạo nội dung kết hợp yếu tố tương tác trực tiếp còn đe dọa những nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực dịch vụ, như cách AI mang tên Sapia có thể phỏng vấn ứng viên bằng chatbot trong quá trình tuyển dụng.
Sam Altman - CEO của OpenAI cho rằng tính kiên cường (resilience) quan trọng hơn là chuyên môn sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Nếu bạn chỉ chuyên về một lĩnh vực thì công việc của bạn sẽ dễ bị lập trình vào trí tuệ nhân tạo và thay thế hơn. Tuy nhiên, nếu kiến thức và kỹ năng của bạn mang tính chất đa ngành thì trí tuệ nhân tạo sẽ khó có thể “soán ngôi”.
Điều quan trọng là phát triển các kỹ năng trí tuệ nhân tạo mới nổi thay vì lo lắng quá mức về việc làm sao để giữ công việc. Dù tất cả các kỹ năng và kiến thức dần dà đều có thể bị trí tuệ nhân tạo thế chỗ, vẫn có một lĩnh vực có thể không bao giờ bị thay thế bởi bất kỳ công nghệ nào. Đó là thái độ tích cực để xây dựng văn hóa năng suất, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo, từ đó khai phá tiềm năng vô hạn cho tổ chức.
Trong phiên thảo luận bàn tròn thuộc “Tọa đàm Nhân sự RMIT-Deloitte 2023” gần đây, giới chuyên gia đều có chung nhân định, các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng về cách trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra giá trị cụ thể cho công việc hằng ngày của họ. Đáng chú ý, tại tọa đàm, PGS. Phạm Công Hiệp - quyền Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới tại Khoa kinh doanh thuộc Đại học RMIT Việt Nam, cũng nêu ra một vấn đề quan trọng là trí tuệ nhân tạo được thiết kế để giao tiếp với con người thông qua giao diện trò chuyện.
“Học về trí tuệ nhân tạo nên được coi như học một ngôn ngữ mới. Một khi càng có nhiều người được đào tạo để giao tiếp hiệu quả với trí tuệ nhân tạo thì nó càng có thể giúp tạo ra và mang lại nhiều kết quả có giá trị hơn” - PGS. Phạm Công Hiệp nhận định.
Trái ngược với quan niệm sai lầm phổ biến rằng trí tuệ nhân tạo cung cấp thông tin ưu việt và khách quan, độ tin cậy và tính đạo đức của việc trí tuệ nhân tạo thống trị khả năng tạo ra kiến thức trong xã hội đang dấy lên quan ngại đáng kể. PGS Phạm Công Hiệp cũng chỉ ra rằng: “Trí tuệ nhân tạo tạo sinh cố gắng trả lời các câu hỏi của chúng ta ngay cả khi chúng không hiểu rõ ràng”.
Hơn nữa, mức độ tin cậy và hợp lệ của những câu trả lời tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo thường bị nghi ngờ, làm dấy lên những vấn đề về bản quyền và đạo văn. Nếu ngày càng có nhiều nội dung được tạo ra dựa trên một trí tuệ nhân tạo thống lĩnh trên thị trường, thì thuật toán trí tuệ nhân tạo của họ sẽ tạo ra sự thiên vị nhất định. “Ngoài ra, có rất nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể làm trầm trọng hóa nạn phân biệt chủng tộc và các hình thức phân biệt đối xử khác trong xã hội con người. Vì vậy, cần phải có khung pháp lý để ngăn chặn những tác động tiêu cực này” - PGS. Phạm Công Hiệp kiến nghị.