Ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023 Thị trường lao động phục hồi chậm dần |
Theo Báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người (tăng 1,1 triệu người). Số lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 50,6 triệu người (tăng 1,5 triệu người), trong đó thành thị là 18,6 triệu người, nông thôn là 31,9 triệu người.
Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên |
Ngoài ra, tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 61.074 tỉ đồng (dư nợ từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm: 4.457 tỉ đồng, dư nợ từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội huy động là 22.989 tỉ đồng, dư nợ từ nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 23.628 tỉ động, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 10.000 tỉ đồng).
Còn báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2022, doanh số cho vay đạt 35.568,9 tỉ đồng góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 1,7 triệu lao động. Trong đó, lao động nữ là 524.499 người (chiếm 30,7%), người khuyết tật là 158.965 lao động (chiếm 9,3%), người dân tộc thiểu số là 94.890 lao động (chiếm 5,56%).
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023 vừa diễn ra tại Phú Thọ, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội; góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Trải qua 2 năm khó khăn vừa qua, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025. "Năm 2023 thị trường lao động chắc chắn sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng"- ông Thanh nhấn mạnh.
Vì thế, theo ông Lê Văn Thanh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương được yêu cầu phải nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động, đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có những biện pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thanh đề nghị các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tăng cường hoạt động thu thập, cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động. Cũng hư chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chương trình, dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp...; ưu tiên cho vay đối với lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn...
Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023 vừa diễn ra tại Phú Thọ |
Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng thời đề nghị, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động, việc quản lý sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ việc làm…
Về phía Cục Việc làm, theo kế hoạch, đơn vị này sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngoài ra, Cục Việc làm cũng sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; triển khai các hoạt động trong kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Chú trọng hơn tới quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư…
Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Cục Việc làm sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản về lao động, việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; hướng dẫn chỉ đạo các địa phương triển khai tốt thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Tào Bằng Huy đơn vị này sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và chỉ đạo các cơ quan chức năng và các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi nắm chắc tình hình thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động các địa phương.