Sau khi lãnh đạo Chính phủ có văn bản ngày 17/12/2019 phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những chậm trễ liên quan đến bình ổn mặt hàng thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã họp gấp với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bàn về các giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý 2020.
Tuy nhiên, hiệu ứng thị trường từ những động thái trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được như ý muốn. Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, tuần qua giá thịt lợn đã chạm “đỉnh” trong vòng 10 năm trở lại đây. Một số địa phương trong nước, từ ngày 18/12 – 22/12/2019, giá cả đã chạm ngưỡng 95.000đ – 100.000đ/kg hơi, giá thịt bán lẻ ở thị trường loại ngon nhất đã lên đến 230.000 – 250.000đ/kg. Như vậy giá cả lợn hơi đến nay đã tăng hơn 50% so với trước khi có dịch bùng phát ở Việt Nam.
Giá thịt lợn ở mức chạm “đỉnh” trong vòng 10 năm trở lại đây Ảnh: Cấn Dũng |
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho biết, nguồn cung hiện có thể chấp nhận được và khẳng định, theo báo cáo của các địa phương gửi về bằng văn bản, đến nay còn hơn 25 triệu con lợn. “Như vậy, khẳng định không phải thịt lợn còn ít”- lãnh đạo Bộ này cho biết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%... Ước tính, lượng thực phẩm tăng so với năm 2018 là trên 430.000 tấn, “góp phần duy trì đà tăng trưởng cho ngành và bù đắp một phần thiếu hụt thịt lợn”.
Trả lời câu hỏi về những giải pháp khắc phục thiếu hụt thịt lợn nếu việc tái đàn không đáp ứng kịp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có nêu ba giải pháp. Đầu tiên là tăng cường sản xuất. “Đây là giải pháp chắc nhất, bền vững nhất và hiệu quả nhất”- ông Cường nhấn mạnh.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới để không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước mà chính là an toàn dịch bệnh, không để lây nhiễm qua các con đường. Cùng với đó là cần bảo đảm bảo thương mại, không để chuộc lợi, không để găm hàng. Việc găm hàng là có hại ngay cho người găm hàng. Vì khi quá lứa thì hiệu quả sẽ giảm do hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi.
Cuối cùng, về chiến lược lâu dài, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi mới sẽ cần làm sao phát triển hài hòa cơ cấu các nhóm thực phẩm, để bảo đảm kinh tế, an toàn sinh học, đồng thời cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn.
Được biết ngay sau cuộc họp của Bộ trưởng ngày 18/12/2019 với các doanh nghiệp lớn trong chăn nuôi, các doanh nghiệp này vẫn tăng giá. Về hành động này, theo Bộ trưởng Cường, việc đưa giá lên cao quá mức sẽ “gậy ông đập lưng ông”.
Theo ông Cường, nếu giá cao quá, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác hoặc nguồn hàng nhập khẩu sẽ tràn về và khi đó, các doanh nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà.
Có thể nhận thấy, mặc dù những mối đe dọa “vỡ trận” mặt hàng thịt lợn đã manh nha xuất hiện từ cuối năm 2018, nhưng những diễn biến trên thị trường thịt lợn càng về cuối năm 2019 đã chứng thực các nhận định của các chuyên gia về vấn đề bình ổn giá thịt lợn ở Việt Nam không đạt được kết quả như mong muốn.
Các chuyên gia nhìn nhận, bình ổn giá là phải chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa từ khi chưa có dịch xảy ra chứ không phải bình ổn giá chủ yếu bằng những công văn giấy tờ mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả.
Một cách cụ thể hơn, vấn đề nhập khẩu lợn cũng vậy, đến nay vẫn đang loay hoay xem nhập khẩu bao nhiêu, đánh thuế thế nào và doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập thịt lợn. Bộ Công Thương đã khẳng định rõ quan điểm Bộ không cấp quota nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do đây là mặt hàng phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về thú y.
Còn về yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt việc đưa lợn qua biên giới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, không thể có hiện tượng xe chở 40 – 50 con lợn một lúc lên biên giới bởi các lực lượng chức năng và các địa phương quán triệt rất rõ quan điểm kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng gián tiếp nhìn nhận những giải pháp bình ổn của ngành nông nghiệp là chưa đủ mạnh. Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định: “Tới đây ngành sẽ tổng kết Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược chăn nuôi mới cho từ năm 2020 trở đi với các giải pháp căn cốt và lâu dài để bảo đảm những dịch lớn như vừa qua được giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh”.
Cần nhìn nhận, trong vai trò cơ quan chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhiều vấn đề phải phân tích thấu đáo qua "bài học thịt lợn" để rút ra những bài học cần thiết cho những thời kỳ tiếp theo, trước mắt cho Tết cổ truyền Canh Tý 2020 và những năm tới đây.