TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng cao nhất quý III năm 2024 TP. Hồ Chí Minh triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Chính thức cấm phân lô, bán nền |
Sáng 31/10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2024. Tại cuộc họp, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các Sở, ngành đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm; kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình công tác năm 2024 và các Thông báo kết luận Phiên họp của UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội.
Cuộc họp cũng xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10 năm 2024; thảo luận, bàn về giải pháp trọng tâm, thường xuyên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố từ nay đến hết năm 2025; xem xét cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố; xem xét thông qua một số Hồ sơ dự kiến trình tại Kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố dự kiến tổ chức trong tháng 11 năm 2024.
Toàn cảnh Phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2024 - (Ảnh: UBND TP. Hồ Chí Minh). |
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực
Tại buổi họp, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính IIP tháng 10 tăng 8,9% so với cùng kỳ và tính chung 10 tháng năm 2024 tăng 6,9%.
Tháng 10 năm 2024, IIP ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Khai khoáng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 30,5% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2024, IIP trên địa bàn thành phố tăng 6,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 44,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,2%.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 22/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,6%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,9%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 14,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 13,3%.
Sản xuất công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng tích cực trong tháng 10. Ảnh minh họa: Minh Ngọc |
Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 10 tháng năm 2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ, thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với IIP toàn ngành công nghiệp. Chia ra: Ngành hóa dược tăng 16,9%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 3,1%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 1,5%; ngành cơ khí giảm 4,2%.
Chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống tính chung 10 tháng năm 2024 tăng 1,0% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 23,7%; sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy tăng 19,7%; xi măng tăng 18,0%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 12,8%; thuốc lá điếu tăng 9,3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 năm 2024 ước tính tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8% so với cùng kỳ, trong đó, có 14/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng và 9/23 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 năm 2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và giảm 17,6% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất kim loại... Một số ngành có mức tồn kho giảm mạnh như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất phương tiện vận tải khác, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, sản xuất xe có động cơ...
Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp trong tháng 10 năm 2024 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số lao động giảm 3,0% so với cùng kỳ.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng
Cũng theo UBND TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên các kênh mua sắm, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa. Trong tháng, số lượng khách quốc tế đến thành phố tăng 16,6% so với cùng kỳ, góp phần thúc đẩy dịch vụ lưu trú và lữ hành trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, ước tính 10 tháng năm 2024 tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2024 ước đạt 109.467 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 979.052 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2024 ước đạt 50.880 tỷ đồng, chiếm 46,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ. Một số nhóm mặt hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm tăng; vật phẩm văn hóa, giáo dục; ô tô các loại; phương tiện đi lại.
Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 462.390 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi họp - (Ảnh: UBND TP. Hồ Chí Minh). |
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 10 năm 2024 ước đạt 12.119 tỷ đồng, chiếm 11,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng 6,0% so với tháng trước và tăng 4,0% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 110.733 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó, lưu trú tăng 26,7% và dịch vụ ăn uống tăng 6,6%.
Dịch vụ lữ hành tháng 10 năm 2024 ước đạt 2.655 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 32.255 tỷ đồng, tăng 46,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 10 năm 2024 ước đạt 43.813 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 10,0% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 373.674 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 225.900 tỷ đồng, chiếm 60,4% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,1%; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 8,9%; nhóm giáo dục và đào tạo tăng 9,4%; nhóm y tế tăng 7,0%; nhóm nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 8,0%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ
Cũng theo UBND TP. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ. Cụ thể, học phí năm học mới 2024 – 2025 điều chỉnh, giá nhà ở thuê và thực phẩm tăng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2024 tăng 0,72% so với tháng trước, tăng 2,94% so với cùng kỳ và bình quân 10 tháng tăng 3,16%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2024 tăng 0,72% so với tháng trước. Trong đó, 09/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục (+3,34%), 02/11 nhóm còn lại đều giảm, giảm nhiều nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép (-0,33%).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 3,16%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 8,06%, kế đến là nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 7,85%, 01 nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông với mức giảm là 2,83%.
Chỉ số giá vàng tháng 10 năm 2024 tăng 4,27% so với tháng trước và tăng 21,42% so với cùng kỳ; bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 19,55% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10 năm 2024 tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 1,64% so với cùng kỳ; bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 5,01% so với cùng kỳ.
Cũng tại buổi họp, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2024 giảm 1,2% và vốn giảm 16,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 2,4% nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/10/2024, thành phố cấp phép 42.167 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 321.523 tỷ đồng, giảm 1,2% về giấy phép và giảm 16,8% về vốn so với cùng kỳ. |