Giai đoạn 2021-2030, Hà Giang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8%/năm Bắc Giang: Tăng trưởng GRDP đứng đầu cả nước |
Sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng cao
Chiều ngày 1/8, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố 7 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2024.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đà phục hồi, nhất là thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp đều tăng mạnh.
Đại biểu tham dự phiên họp thường kỳ tháng 7 về kinh tế - xã hội. |
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng 6,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,8%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,9%; chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,2%; sản xuất hàng điện tử giảm 0,6%; cơ khí giảm 3,6%.
Đối với ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2024 giảm 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất trang phục giảm 0,3%; dệt giảm 0,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,3%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Với đà phục hồi và tăng trưởng của các ngành công nghiệp trọng điểm, kéo theo chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 42,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 32,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,8%.
Về thương mại dịch vụ, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và du lịch với sự hưởng ứng của nhiều đơn vị trong lĩnh vực bán lẻ, lưu trú tham gia, trong đó nhiều sản phẩm, hàng hóa thiết yếu được giảm giá sâu, đảm bảo chất lượng và mẫu mã, đã thu hút người dân tham gia mua sắm.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 662 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%, doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 8,7%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 65,7%, doanh thu dịch vụ khác tăng 7,1%.
Đáng chú ý, xuất khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước đạt 26.07 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ.
Bên cạnh những điểm tích cực, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn không ít hạn chế như: giải ngân vốn đầu tư công còn thấp đạt 14,9% so với kế hoạch vốn năm 2024; một số sản phẩm công nghiệp giảm như: Phân khoáng hoặc phân hoá học giảm 14,5%; giày dép thể thao giảm 4,1%;…
Phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt trên 7,5%
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh những tháng cuối năm 2024, trong đó quý 3 phải đạt 7% và quý 4 đạt 8%, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. |
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95%. Đồng thời đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố trong năm 2024.
Cùng với đó, tiếp tục chủ động thúc đẩy hoạt động của Hội đồng vùng; phát huy vị trí, vai trò TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kết nối của khu vực Đông Nam Bộ nhằm mở rộng các hành lang vận tải trọng tâm bám sông, hướng biển, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư, gắn kết chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch; cung như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế…
Đáng chú ý, tại phiên họp, UBND TP. Hồ Chí Minh thảo luận dự thảo chỉ thị của UBND TP. Hồ Chí Minh về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025. Trong đó, dự thảo tập trung điều hành đạt tăng trưởng GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 là 8 - 8,5%; tập trung nâng các chỉ số cải cách hành chính, phấn đấu đạt tốp 5 địa phương đứng đầu cả nước. |