“Sức khỏe” ngành sản xuất đang phục hồi tích cực Công nghiệp phục hồi nhanh, nhiều ngành sản xuất trọng điểm có chỉ số tăng cao TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm |
Đơn hàng quay trở lại
Sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ và lâm sản… của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày - cũng cho hay, gần đây doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới và đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 - 2,5 tiếng.
Với lĩnh vực dệt may, dù cũng chịu tác động từ xung đột biển Đỏ khiến đơn hàng từ khách hàng Mỹ và châu Âu sụt giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp may mặc vừa có thêm đơn hàng từ khu vực Trung Đông và Đông Nam Á.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết, nếu như so sánh với cùng kỳ 2023, đơn hàng năm nay đã tăng lên nhiều. “Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là khách hàng truyền thống cũng hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh cho biết.
Tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo ông Phạm Quang Anh, đây là kết quả sau nhiều hoạt động xúc tiến thương mại từ online, offline trong việc gặp gỡ trực tiếp mới phát triển được tại các thị trường như Malaysia, Campuchia, Singapore. Mặc dù đơn hàng chưa đạt như kỳ vọng song hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý II và toàn bộ lực lượng lao động đang tăng ca đều.
Trong khi đó, ở lĩnh vực cơ khí, nhờ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cơ khí chế tạo có đơn hàng ổn định khi nhận được nhiều đặt hàng từ khối doanh nghiệp FDI. Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh thông tin, xu hướng hiện nay khách hàng đặt những đơn hàng gấp, 1 tuần là phải giao. Trong khi đó, mức giá lại phải giảm. “Mình là công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho doanh nghiệp FDI là nhiều. Giá thành mình làm ra buộc phải giảm để giữ được đơn hàng. Có rất nhiều giải pháp nội tại như thay đổi hệ thống quản trị, tiết kiệm để ổn định sản xuất”, ông Tống cho hay.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá
Thực tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đang có nhiều tín hiệu phục hồi và tăng trưởng sau hàng loạt biện pháp hỗ trợ của ngành chức năng và nỗ lực của doanh nghiệp. Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vừa qua đạt mức tăng trưởng dương 4,3%. Một chỉ số quan trọng khác là chỉ số tiêu thụ điện cho khu vực sản xuất và xây dựng, 2 tháng đầu năm đã tăng 10% trong khi cả năm ngoái tăng trưởng âm. Đây là tín hiệu cho thấy khối doanh nghiệp sản xuất đã có nhiều chuyển động về mặt số lượng, năng suất và lấy lại đà sôi động.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đánh giá, doanh nghiệp đã trải qua thời gian dài tái cấu trúc, bố trí lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp quý I nhiều thuận lợi để tăng trưởng trên 5%. Ngành Công Thương thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, Sở sẽ phối hợp cùng với doanh nghiệp tổ chức những hoạt động liên kết vùng. Từ đó, giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định trước tác động tăng giá đầu vào. Đồng thời, kết nối với Ngân hàng Nhà nước trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giúp nguồn vốn chảy vào sản xuất - kinh doanh. Cùng doanh nghiệp cải tiến sản xuất xanh, sạch và xanh.
Bên cạnh đó, các sự kiện quan trọng như: Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế và Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ được Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong các tháng tới. Với sự tham gia của hơn 200 nhà phân phối, nhập khẩu quan trọng. Đây sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp gia tăng đơn hàng, giữ ổn định sản xuất.