Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục "hút" vốn FDI Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 56 địa phương trong 2 tháng đầu năm 2024 |
Theo Bộ Công Thương, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024, hiện Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành.
Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 đã tạo ra bước khởi đầu tích cực ngay đầu năm mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong hai tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngành tăng cao ở mức hai con số |
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2024 giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp đã cho thấy những tín hiệu tích cực khi chỉ số IIP tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%) mặc dù số ngày làm việc ít hơn do Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng 02/2024.
“Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp khi tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 3,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm”- báo cáo nêu rõ.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngành tăng cao ở mức hai con số như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%....
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 29%; thép cán tăng 24,1%; sơn hóa học tăng 22,4%; đường kính tăng 21,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,8%; thép thanh, thép góc tăng 18,6%; sữa bột tăng 15,3%; điện sản xuất tăng 12,1%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, các nhóm ngành có sự hồi phục nhanh như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Nhiều địa phương có chỉ số công nghiệp tăng ở mức rất cao
Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng ở 56/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Giang tăng 29%; Phú Thọ tăng 27,6%; Hà Nam tăng 22,2%; Thanh Hóa và Quảng Ngãi cùng tăng 22,1%; Bình Phước tăng 20%; Kiên Giang tăng 19,7%; Tây Ninh tăng 16,9%.
Đồng thời, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Khánh Hòa tăng tới 318,8%; Trà Vinh tăng tới 102,3%; Thanh Hóa tăng 67,5%; Bắc Giang tăng 17,6%; Phú Thọ tăng 15,5%...
Cũng theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, các địa phương và doanh nghiệp chú trọng thực hiện tốt việc sản xuất công nghiệp, cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực là tiền đề thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá trong những tháng tiếp theo của năm 2024.
Đơn cử như tại Bắc Giang, một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP cao cho biết, chỉ số sản xuất tháng 02/2024 tuy giảm 27,26% so với tháng trước nhưng lại tăng 2,99% so với cùng kỳ tháng 02/2023. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng tăng 28,71% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,2%). Động lực chính cho tăng trưởng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp và thuộc ngành sản xuất chế biến, chế tạo, nhất là sản xuất linh kiện điện tử…
Tạo đà tăng trưởng cho quý I/2024 và giai đoạn tiếp theo
Mặc dù các kết quả 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững; năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại…
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung cao độ cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương triển khai dự án đường dây 500KV mạch 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng Quý, từng tháng 2024; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống.
Đưa ra giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...
Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu về phát triển công nghiệp và đặc biệt công nghiệp hỗ trợ là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai để các địa phương có thể tham khảo, thực hiện đổi mới một cách hiệu quả. Từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.