Đồng bằng Sông Cửu Long: Cải thiện hạ tầng logistics Tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn để phát triển logistics cho TP. Hồ Chí Minh |
Theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh có thuận lợi trong ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng. Với góc nhìn đó, TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực phía Nam, đóng góp lớn hơn cho kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Công Luân, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh |
Tại Diễn đàn Logistics TP. Hồ Chí Minh - Logistics Forum 2023 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Triển vọng và thách thức”, chiều ngày 29/11/2023, ông Nguyễn Công Luân, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Với những thuận lợi đặc thù về thương mại, vận tải quốc tế, TP. Hồ Chí Minh có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam và cả nước.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương, hạ tầng dịch vụ logistics của TP. Hồ Chí Minh chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong thời gian tới. Trong đó, chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Cùng với đó, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics tại thành phố còn chậm, chưa thực sự đồng đều; quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics còn hạn chế về năng lực hoạt động…
Nhằm đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới, ngành Công Thương thành phố sẽ phối hợp cùng các sở, ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển logistics theo Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tại TP. Hồ Chí Minh tầm cỡ khu vực.
Ở cấp độ vùng Đông Nam Bộ, tập trung phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng. Tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics trên địa bàn để đón đầu các chuỗi cung ứng. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kêu gọi đầu tư của 6 dự án xây dựng trung tâm logistics tại TP. Thủ Đức (phường Long Bình, Linh Trung, Cái Lái - Phú Hữu), huyện Bình Chánh (xã Tân Kiên), huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ) và huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước).
Bên cạnh đó, đồng hành cùng hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh logistics. Trong đó, tập trung thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức để phục vụ cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải và đầu mối tập kết hàng hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến (tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật...), phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Cùng với đó, nghiên cứu, thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics để cung cấp, kết nối các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại. Đồng thời, thành lập trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho Vùng hướng đến tính liên kết vùng Đông Nam Bộ và cung cấp nguồn nhân lực cao của TP. Hồ Chí Minh cũng như chia sẻ nguồn nhân lực của Vùng…