Dù được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, song do điểm yếu về hạ tầng logistics nên nhiều năm qua, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa thực sự phát triển xứng tầm.
ĐBSCL hiện là vựa lúa chính, chiếm trên 54% sản lượng lúa của Việt Nam với 23,6 triệu tấn và hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thập kỷ qua. Đây cũng là vùng đóng góp khoảng 70% sản lượng trái cây của Việt Nam và đang chiếm khoảng 60% sản lượng xuất khẩu thủy sản cả nước.
Cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ logistics |
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khai thác thế mạnh này, vùng đã thực hiện nhiều giải pháp xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng từ chỗ chỉ đạt 11 tỷ đồng vào năm 2013 thì đến năm 2021 tăng lên 19,32 tỷ USD và đạt tốc độ tăng bình quân 8%.
Dù vậy tốc độ tăng này vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hạ tầng logistics trong vùng còn hạn chế, dẫn tới chi phí cao (chiếm tới 30% giá thành sản phẩm) và làm kìm hãm sự phát triển chung của vùng. Cụ thể, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, để tối ưu và giảm chi phí tiếp vận cho vùng ĐBSCL cần tạo đột phá trong chính sách, thể chế để thu hút vốn đầu tư phát triển logistics. Cùng với đó, cần xây dựng các trung tâm chuyên cho nông sản xuất khẩu của cả vùng.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Gemadept, để đánh thức được tiềm năng "vận tải thủy", cần tăng cường mở rộng thêm các tuyến thủy nội địa và xem xét điều chỉnh các tuyến đường thủy mới kết nối ĐBSCL với khu cảng trọng điểm Cái Mép và nước bạn Campuchia.
Trong khi đó, ông Tôn Thất Anh Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ASEAN Cargo Gateway - đề xuất, nên có một chuyến bay vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ Cần Thơ đi đến các nước. Đặc thù của hàng nông sản là thời hạn sử dụng ngắn, dễ hỏng, vì vậy, khi đưa hàng hóa vào tiêu thụ càng sớm, giá trị càng tăng. Đặc biệt, đường bay sẽ giúp cho hàng hóa nông sản Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Ở tầm vĩ mô, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ logistics. Cụ thể, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics...