Ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trước sức ép chuyển đổi để duy trì tăng trưởng TP. Hồ Chí Minh: 4 ngành công nghiệp trọng điểm trên đà phục hồi và khởi sắc |
Công nghiệp tăng cao nhất trong 3 năm gần đây
Chiều ngày 1/7, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, làm gia tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Cùng với đó là những thách thức từ bên trong như vốn, thị trường tiêu thụ, chính sách tác động đến sức khoẻ của doanh nghiệp.
Lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương của TP. Hồ Chí Minh tham dự cuộc họp. |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh vẫn đang trên đà phục hồi, trong đó sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 21,1%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,3%; ngành cơ khí giảm 1,7%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 5,4%.
Đối với ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất trang phục giảm 0,9%; ngành dệt giảm 1,7%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,4%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Với đà phục hồi và tăng trưởng của các ngành công nghiệp trọng điểm, kéo theo chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng năm 2024 tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 42,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 28,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 24,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 16,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,8%.
Đáng chú ý, xuất khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 22,4%).
Bên cạnh sự khởi sắc của ngành công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 558.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.
Bên cạnh những điểm tích cực, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn không ít hạn chế như: Một số chỉ tiêu kinh tế thành phố tăng trưởng thấp; 20.633 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 19,5% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp đạt 10,3% so với kế hoạch vốn năm 2024…
Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho 6 tháng cuối năm 2024, trong đó quý 3 phải đạt 7% và quý 4 đạt 8%, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, Thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2024.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên họp. |
Cùng với đó, Thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; chuẩn bị nhanh nhất các nguồn lực để triển khai thực thi các bộ Luật ngay khi Quốc hội thông qua, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng thời chủ động thúc đẩy hoạt động của Hội đồng vùng; phát huy vị trí, vai trò TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kết nối của khu vực Đông Nam Bộ nhằm mở rộng các hành lang vận tải trọng tâm bám sông, hướng biển, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển du lịch; phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cùng với đó, đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư, gắn kết chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch; cung như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế…