Phòng, chống hàng giả trên không gian mạng: Doanh nghiệp phải tăng tính chủ động Điều chỉnh thói quen tiêu dùng để không “tiếp tay” cho hàng giả |
Buôn bán hàng giả, hàng lậu vẫn phức tạp
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong 11 tháng năm 2023 các Đội Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 53.146 vụ chuyên ngành và liên ngành, trong đó có 4.607 vụ kiểm tra chuyên ngành, tăng 1.518 vụ (tăng 49,14%) so với cùng kỳ năm trước. Số vụ vi phạm là 4.190 vụ, tăng 1.825 vụ (tăng 77,16%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 85.442.543.000 đồng (tăng 89,88% so với cùng kỳ năm trước).
Lực lượng quản lý thị trường tiêu hủy hàng hàng nhập lậu và hàng giả |
Các vụ việc vi phạm nổi cộm gồm thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng giả. Theo đó, với mặt hàng thuốc lá và thuốc lá điếu, chỉ tính riêng trong tháng 11/2023, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 18 vụ vi phạm, tạm giữ 376 bao thuốc lá điếu và 1.703 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện và tinh dầu.
Đối với hàng hóa nhập lậu, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 109 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 115.290 đơn vị sản phẩm, trong đó có một số mặt hàng trọng điểm kiểm tra như: quần áo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ cầm tay, dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép, xe đạp…
Với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã kiểm tra, xử lý 214 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 241.366 đơn vị sản phẩm dụng cụ cầm tay, hàng gia dụng, quần áo, thực phẩm, máy tính xách tay, thực phẩm chức năng, phụ tùng xe máy, giày dép, thiết bị điện, hàng gia dụng, dụng cụ y tế, đồ chơi trẻ em, phụ kiện điện thoại di động, thiết bị vệ sinh…
Còn với hàng giả, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 163 trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 19.972 đơn vị sản phẩm mắt kính, dụng cụ làm đẹp, quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, văn phòng phẩm, phụ liệu may mặc… thuộc các nhãn hiệu Rolex, Patek Phillippe, Hermes, Burberry, Dior, Apple, Montblanc, Honda, Adidas...
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng kiểm tra, xử lý 50 vụ vi phạm, đã tạm giữ 36.249 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Riêng đối với mặt hàng đường cát trong tháng 11 năm 2023, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 4 vụ vi phạm, tạm giữ là 3.164 kg đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tăng kiểm soát thị trường cuối năm
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh dự báo, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng.
Về đường đi của hàng hóa giả mạo, hàng lậu, theo Cục Quản lý thị trường Thành phố, nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường thành phố chủ yếu từ hướng biên giới Tây Nam, sau đó được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiêp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa.
Đồng thời Cục Quản lý thị trường Thành phố cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt sẽ chú ý đến nhóm mặt hàng xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, thức ăn chăn nuôi,…