Thủ tướng phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia Mastercard góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Đông Nam Á Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, tránh "đề ra rồi để đó" |
Nhằm hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới, tạo phong trào tiết kiệm trong xã hội, hướng tới đối tượng của tài chính toàn diện đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững, ngày 31/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK) tổ chức chương trình Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và Giao lưu “Tiết kiệm thông minh, Tương lai bền vững”. Đồng tổ chức chương trình có Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Toạ đàm "Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện" |
Với vai trò là đơn vị chủ trì và điều phối xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt ban hành năm đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, tích cực thúc đẩy nhiều chương trình nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình được Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện như: Gameshow truyền hình “Tiền khéo tiền khôn” (VTV3), chương trình hoạt hình “Tay hòm chìa khóa” (VTV1), Đồng tiền thông thái (VTV1), cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và một số trường đại học, học viện với sự hỗ trợ của DSIK đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính dưới hình thức học hấp dẫn, thông qua các trò chơi kinh doanh mô phỏng với nhiều chủ đề khác nhau do DSIK phát triển. Đây là một cách học mới, dễ hiểu, dễ tiếp thu, mang tính tương tác và thực tế cao, được giảng viên và học viên đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức thể hiện.
Ngân hàng Nhà nước và một số trường đại học, học viện với sự hỗ trợ của DSIK đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính |
Chương trình Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và Giao lưu “Tiết kiệm thông minh, Tương lai bền vững” là chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Tiết kiệm thế giới 31/10. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy phong trào và ý thức tiết kiệm. Trong đó, tập trung tới đối tượng sinh viên, qua đó tăng cường nhận thức của các em sinh viên về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, mỗi một lứa tuổi sẽ có những nhìn nhận, tư duy về tài chính khác nhau và cần có phương pháp hướng dẫn phù hợp. Đối với sinh viên, việc vận dụng những kiến thức về tài chính ngân hàng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào cho hiệu quả và tối ưu nhất là vấn đề không đơn giản.
Do vậy, việc xây dựng những chương trình bổ trợ giúp sinh viên được trải nghiệm và áp dụng các nội dung lý thuyết trên giảng đường vào thực tiễn là hết sức cần thiết.
“Chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới sẽ giúp trang bị thêm cho các em những kiến thức bổ ích để nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý ngân sách cá nhân hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc học tập cũng như trang bị tốt cho tương lai” - đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hơn nữa nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó chú trọng đến đối tượng là giới trẻ, phụ nữ, người yếu thế trong xã hội.