Digiasia hiện đang liên kết với một số công ty công nghệ tài chính tại Indonesia, bao gồm KasPro - nền tảng thanh toán và ví điện tử; KreditPro - nền tảng tài chính và cho vay ngang hàng (P2P) hướng đến đối tượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường bị từ chối khi "gõ cửa" các ngân hàng truyền thống; và RemitPro - công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền hiệu quả và an toàn thông qua các kênh kỹ thuật số và mạng lưới các đại lý truyền thống, như các công ty viễn thông, bưu điện và nhà bán lẻ.
Các dịch vụ này đều sử dụng cùng một nền tảng công nghệ giúp bảo mật thông tin các giao dịch, bảo vệ người cho vay khỏi các khoản vay mang nhiều rủi ro, cũng như cho phép tiếp cận và giao dịch tiền vốn theo cả hình thức kỹ thuật số và truyền thống.
Quyết định đầu tư này được đưa ra vào thời điểm Chính phủ Indonesia và các bên liên quan đang tập trung vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Trên thực tế, tại các thị trường khác trong khu vực, nhiều người đã đặc biệt quan tâm về tiềm lực của các công ty công nghệ tài chính trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện cũng như tạo ra cơ hội mới cho nền kinh tế.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi công ty kiểm toán PwC, ngân hàng United Overseas Bank1 và Hiệp hội Công ty Công nghệ Tài chính Singapore, tính đến cuối tháng 9/2019, các doanh nghiệp công nghệ tài chính tại khu vực ASEAN đã nhận được khoản đầu tư với tổng giá trị 1,4 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các nước nhận được khoản đầu tư lớn nhất.
Digiasia đã xây dựng rất nhiều mối quan hệ đối tác, nhằm phục vụ mục tiêu phổ biến nền kinh tế kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày của người dân Indonesia. Công ty này đang hợp tác với một số nhà cung cấp dịch vụ vận tải nhằm giúp khách hàng có thể thanh toán dịch vụ một cách dễ dàng hơn, cũng như các nhà cung cấp quy mô lớn như iRMA hay Metrodata với khả năng bán hàng B2B trên nền tảng KreditPro, các công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền như Western Union hay Mandiri Syariah, và các doanh nghiệp về số hóa chuỗi cung ứng như DistroPro. Thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp này, Digiasia có thể kết nối các khách hàng có và không có tài khoản ngân hàng, cũng như kết nối các doanh nghiệp đã và chưa áp dụng các nền tảng kỹ thuật số.
Ông Alexander Rusli và ông Prashant Gokarn, hai đồng sáng lập của Digiasia Bios, chia sẻ: "Làm việc cùng Mastercard đồng nghĩa với việc Digiasia sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về thương mại kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn mối quan hệ hợp tác này sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của Digiasia tại Indonesia và đem đến một loạt các dịch vụ tài chính mạnh mẽ cho mọi khách hàng với nền tảng kinh tế xã hội khác nhau và có mức độ kết nối công nghệ khác nhau".
Bên cạnh khoản đầu tư tài chính từ Mastercard, các công ty công nghệ tài chính hợp tác cùng Mastercard có thể hưởng lợi từ việc tận dụng mạng lưới các ngân hàng, doanh nghiệp và trình độ chuyên môn về an ninh mạng của một trong những công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới.
Ngoài việc hợp tác với các công ty công nghệ tài chính, Mastercard còn thực hiện nhiều chương trình giáo dục ở Đông Nam Á, ví dụ như Mastercard Academy 2.0 với mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua việc phổ biến các kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số thiết yếu, và chương trình Girls4Tech nhằm khuyến khích phụ nữ trẻ tham gia vào lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).