Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm Đà Nẵng: Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm |
Khó xây dựng chợ an toàn thực phẩm do đâu?
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và cho phép Bộ Công Thương được triển khai các mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công Thương đã triển khai được 32 mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc.
Giai đoạn năm 2016 – 2020, Chương trình mục tiêu y tế dân số cũng đã có nội dung tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm ở các địa phương. Rất nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình thí điểm, nhân rộng bằng những nguồn vốn từ tài trợ quốc tế, từ ngân sách địa phương hoặc từ nguồn vốn xã hội hóa huy động từ tiểu thương, từ phía hợp tác xã hay là doanh nghiệp. Nhờ đó, trên phạm vi toàn quốc, cả nước hiện nay đã có hàng trăm mô hình chợ an toàn thực phẩm thí điểm được xây dựng thành công.
Chợ an toàn thực phẩm được Bộ Công Thương xây dựng dựa trên dự thảo về Tiêu chuẩn quốc gia chợ kinh doanh thực phẩm đã được Bộ Khoa học Công nghệ chấp thuận và ban hành năm 2017 (Tiêu chuẩn TCVN 11856: 2017 về chợ kinh doanh thực phẩm).
Đây là một căn cứ rất tốt, là khuôn mẫu để cho các địa phương, các hợp tác xã, các doanh nghiệp tham khảo xây dựng ra những chợ mới hoặc cải tạo lại những chợ trước đây chưa đảm bảo về mặt hạ tầng cơ sở, chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật đối với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga chỉ rõ, vẫn còn cũng rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Vì hiện nay, Việt Nam đang có 8.549 chợ truyền thống (số liêu cập nhật đến cuối tháng 12/2021), trong số đó có đến 80% chợ ở khu vực nông thôn, 86% là chợ hạng 3, tức là chợ dân sinh quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất còn rất kém và rất khó để thu hút nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, mãi lực ở chợ vẫn còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các chợ ở khu vực nông thôn, khi người dân đến mua sắm còn chưa đông.
Bên cạnh đó, nguồn hàng từ các chợ, đặc biệt là các chợ dân sinh trên phạm vi toàn quốc phần lớn do tiểu thương lấy từ chợ đầu mối hoặc là từ những vùng sản xuất tự cung, tự cấp của các địa phương, công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ phía địa phương, ông Đinh Lâm Sáng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ, thời gian qua, Bắc Kạn đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Nguyên nhân thứ nhất là do tập quán tiêu dùng của người dân ở trên địa bàn, tiểu thương chưa quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức của người dân là một trong những điều khó nhất.
Nguyên nhân thứ hai là cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước từ rất lâu. Hiện nay, một số cơ sở hạ tầng đã xuống cấp rất nhiều, kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa chợ còn hạn hẹp, khó thực hiện.
“Một khó khăn nữa là các tiểu thương và những người được giao nhiệm vụ quản lý chợ cũng chưa mặn mà trong việc nhân rộng mô hình quản lý chợ này. Đặc biệt, khó khăn căn bản nhất vẫn là kinh phí để thực hiện lại rất hạn hẹp” – ông Đinh Lâm Sáng nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc Hợp tác xã Hải An, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội phát triển chợ Việt Nam nhấn mạnh, hiện vốn đầu tư phát triển chợ từ nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu dành để hỗ trợ đầu tư chợ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; những khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn không thuận lợi về giao thông thế.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp nghiên cứu để tiếp cận được nguồn vốn này cũng thật sự khó khăn. Bên cạnh đó, nhìn chung, những chính sách xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là do các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế tại địa phương để triển khai, vì vậy, chưa nhìn thấy được sự thống nhất và chưa đủ để thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, phát triển chợ.
Giải pháp nào cho phát triển chợ an toàn thực phẩm?
Hiện nay, 75% thực phẩm vẫn đi qua các chợ truyền thống, từ đầu mối cho đến chợ dân sinh. Cho nên xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm là việc vô cùng quan trọng.
Hiện nay, 75% thực phẩm vẫn đi qua các chợ truyền thống |
Chia sẻ về giải pháp phát triển chợ an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn - Phó Giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) cho rằng, để nâng cao được hiệu quả an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chợ, quan trọng nhất là xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giết mổ cho ra ra chợ. Xây dựng được chuỗi này sẽ dẫn đến việc sản xuất bền vững với tất cả các mối quan hệ trong chuỗi đều bền vững, bởi vì căn cứ đi đến với nhau tất cả bằng lợi ích của chuỗi, nhóm.
Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ thêm, yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chợ an toàn thực phẩm là phải có kinh phí để thực hiện. Do đó, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tham mưu cho tỉnh hỗ trợ địa phương từng năm một để địa phương có nguồn vốn để thực hiện. Đó là điều kiện cần.
Còn điều kiện đủ thì phải tập huấn bằng cách “cầm tay chỉ việc” trong kinh doanh, xây dựng chợ an toàn thực phẩm.
“Hiện nay thông tin truyền thông phát triển rồi, phải đưa công khai một số trường hợp kinh doanh không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Giải pháp này sẽ tạo hiệu ứng rất cao cho tiểu thương biết rằng mình phải làm cho tốt vì nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình” – ông Đinh Lâm Sáng kiến nghị.
Một điều kiện đủ nữa là cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành ở địa phương có chợ, chứ chỉ cơ quan chuyên môn làm là không ổn.
Ông Hoàng Minh Luân nêu quan điểm, để nhân rộng được mô hình chợ an toàn thực phẩm ở địa phương cũng như tất cả các hệ thống chợ trên toàn quốc thì cần tập trung hai vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là yếu tố về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, chợ phải có các hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải và thiết kế đầy đủ vệ sinh. Vấn đề khác nữa là kiểm soát nguồn hàng hóa cũng như chế tài xử lý vi phạm phải được thực hiện hiệu quả hơn.
Thêm một nội dung nữa là Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đầu tư cho hạ tầng của các chợ truyền thống, đặc biệt là những vùng khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào dân tộc phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa mới được ban hành, trong đó cũng có nội dung rất lớn về đầu tư hạ tầng chợ tại các vùng đồng bào dân tộc.
Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga cho hay, các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm. Theo đó, sẽ có 40 địa phương sẽ được nhận nguồn ngân sách từ Trung ương cho việc đầu tư hạ tầng chợ. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn về các địa phương nào được nhận bao nhiêu chợ xây dựng mới, bao nhiêu chợ được cải tạo theo đúng nhu cầu của địa phương… Vấn đề này đã được tổng hợp và gửi sang Ủy ban Dân tộc để trình lên Chính phủ phê duyệt, ban hành.
“Chúng tôi hy vọng rằng thời gian tới các chợ ở vùng đồng bào dân tộc sẽ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này để xây mới chợ truyền thống hoặc cải tạo chợ cũ thành các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm” – bà Nga khẳng định.