Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu và gây ra những hậu quả nặng nề cho con người cũng như cả trái đất. Do đó, từ lâu bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Để quản lý và bảo vệ môi trường, Nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp về kinh tế và pháp lý với việc ban hành các đạo luật liên quan đến môi trường, các quy phạm pháp luật về thuế, phí môi trường và chế tài dân sự hành chính, cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp về hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, can thiệp vào các hoạt động của các cá nhân, tổ chức trong xã hội để bảo vệ cho các yếu tố của môi trường, ngăn chặn việc gây ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.
Trong đó, các công cụ kinh tế được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường. Với mục tiêu là điều hòa xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Công cụ kinh tế hiện nay rất đa dạng, bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí đặt cọc, ký quỹ quỹ bảo vệ môi trường, trợ cấp môi trường và hệ thống các tiêu chuẩn về ISO. TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế đã có phân tích kỹ hơn về vấn đề này.
Xin ông đánh giá về thực tế áp dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay?
Không chỉ Việt Nam mà thế giới đang đứng trước nhu cầu khẩn thiết về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là nhu cầu chuyển từ mô hình phát triển kinh tế nâu sang xanh và đứng trước áp lực phải gìn giữ, bảo vệ môi trường theo yêu cầu phát triển bền vững, bao gồm: phát triển kinh tế hài hòa với sự công bằng xã hội, thân thiện với môi trường để không ảnh hưởng tới thế hệ tương lai.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế |
Để làm được việc này, thế giới và Việt Nam đang áp dụng đồng bộ các giải pháp bao gồm: những giải pháp về mặt hành chính, hình sự và đặc biệt là những giải pháp về mặt kinh tế.
Công cụ kinh tế môi trường là một trong những bộ công cụ rất quan trọng và ngày càng mở rộng, phát triển trên thế giới cũng như được áp dụng ở Việt Nam từng bước một. Cho đến nay, trên thực tế chúng ta đã áp dụng một số công cụ, điển hình, tiêu biểu và người dân quen biết nhất đó chính là thuế, phí và quỹ môi trường. Còn một số công cụ khác như: đặt cọc hoàn trả hoặc đánh giá tác động môi trường hay những biện pháp khác, trong đó có những biện pháp về công cụ tín chỉ, đặc biệt tín chỉ carbon mà chúng ta đã nghe nhiều và chúng ta mới đang từng bước hình thành về mặt pháp lý, nhận thức, thể chế.
Như vậy có thể nói, Việt Nam đang đi những bước đầu tiên để triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc và hiệu quả những công cụ kinh tế môi trường. Tuy nhiên, còn phải nỗ lực rất nhiều để hiện thực hóa các hoạt động này.
Ông vừa nói đến các công cụ kinh tế, trong đó, một công cụ khá mới là tín chỉ carbon. Được biết, tín chỉ carbon là một chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền sẽ phát thải 1 tấn khí CO2 tương đương. Tại Việt Nam từ nhiều năm nay đã sản xuất và bán tín chỉ carbon rừng. Thế nhưng những giao dịch này lại chưa được chú ý nhiều. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này và theo ông thì thách thức lớn nhất khi triển khai thị trường carbon ở Việt Nam là gì?
Tôi thấy rằng, hiện nay trên thế giới có hai loại thị trường, đó là thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc. Ở Việt Nam về cơ bản chúng ta mới có thị trường tự nguyện của doanh nghiệp và được thực hiện cũng khá lâu, trên dưới 20 năm. Còn thị trường bắt buộc chúng ta chưa có.
Lần đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới ghi vào về vấn đề thị trường này trong Điều 139 và luật này thì đầu năm 2022 mới có hiệu lực. Chưa kể Việt Nam lại quy định lộ trình đến năm 2025 mới thí điểm, năm 2028 mới hình thành. Chính vì vậy mà thị trường bắt buộc về tín chỉ carbon ở Việt Nam là chưa có, chúng ta mới có thị trường tự nguyện của các doanh nghiệp.
Có một thông tin tốt, là hiện nay Việt Nam đã được xếp là 1 trong 4 nước có dự án thực hiện theo chương trình phát triển cơ chế sạch hơn và chúng ta cũng đứng thứ 9/80 quốc gia trên thế giới có chương trình này. Hơn nữa, trên thực tế Việt Nam đã có 300 chương trình, dự án được đăng ký theo chương trình này và có 150 chương trình được cấp 40,2 triệu tín chỉ trao đổi trên thị trường thế giới.
Rõ ràng những con số trên là rất tích cực. Trong khi trên thế giới hiện nay thực tế mới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon và 27 quốc gia áp dụng thuế carbon, hay còn có một số nước khác áp dụng cả hai chương trình. Thì ở Việt Nam (mức độ doanh nghiệp) dường như đi nhanh hơn.
Tôi cho rằng, điều này không phải là do nhận thức nhanh hơn của doanh nghiệp mà là áp lực kinh tế buộc họ phải tham dự. Việt Nam là nước cơ bản gia công, khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì họ buộc phải tuân thủ các quy định. Minh chứng là vừa rồi EU đã áp dụng và nghiệt ngã với các điều kiện này. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn xuất khẩu được thì phải có chứng chỉ đó. Nếu Việt Nam chưa có thì doanh nghiệp buộc phải mua ở nước ngoài.
Có thể nói, doanh nghiệp đi trước là một thực tế đúng, bởi doanh nghiệp luôn luôn đi trước luật pháp. Hay nói cách khác là chúng ta đã bám sát và đi theo xu hướng, nhưng doanh nghiệp thì đi nhanh hơn, bởi họ là những chiến sĩ tiên phong trên thị trường này.
Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam, trước hết là vấn đề nhận thức và cơ sở pháp lý ở mặt thượng tầng, mặt quản lý nhà nước. Đến nay chúng ta đã có Luật về môi trường, trong đó có quy định về thị trường tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có một số văn bản của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về quản lý tài chính cũng như là tín dụng cho các thị trường này.
Tuy nhiên, như tôi đã nói là còn rất mới, Việt Nam mới chỉ áp dụng 1 - 2 năm gần đây và đặc biệt là các điều kiện để tiếp cận chương trình này đang còn rất khó khăn. Nói cách khác là để tiếp cận với các tín dụng, hay với thị trường tín chỉ carbon thì các doanh nghiệp phải có những dự án đảm bảo được các yêu cầu để có thể tham gia được vào cũng như là được cấp tín dụng hay là được tiếp cận với các ưu đãi tài chính.
Tín chỉ carbon là một trong số rất nhiều công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường được Việt Nam tính đến và đang từng bước hình thành về nhận thức, pháp lý... |
Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho các hoạt động, các dự án về thực hiện chương trình xanh và được cấp tín chỉ này cũng rất hạn chế. Chưa kể các điều kiện về cấp cũng rất ngặt nghèo. Bởi thông thường các doanh nghiệp muốn nhận được tín dụng xanh thì họ có yêu cầu rất cao về mặt độ dài của tín dụng. Nhưng hiện nay nguồn vốn tín dụng của Việt Nam đa phần là từ huy động ngắn hạn, cho vay cũng chỉ ngắn hạn và trung hạn, còn cho vay dài hạn rất là hiếm, cực kỳ hãn hữu. Do đó các doanh nghiệp cũng băn khoăn. Đấy là chưa kể bản thân năng lực, nhận thức của các ngân hàng cũng có hạn và bị chi phối bởi lợi nhuận, do đó họ cũng không thực sự mặn mà với việc hỗ trợ các dự án của các doanh nghiệp có tham gia vào thị trường tín chỉ carbon này.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có đặt ra lộ trình: Thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028, theo ông thì lộ trình này có khả thi hay không?
Tôi cho rằng, một thị trường để hình thành đòi hỏi rất nhiều yêu cầu. Về mặt nguyên tắc kinh tế thị trường thì muốn hình thành thị trường là phải có cung - cầu, có cơ sở vật chất để giao dịch, có các quy định pháp lý liên quan, có các dịch vụ để hỗ trợ cũng như có các đơn vị đo lường và các trọng tài cần thiết; chưa kể là xác định giá, thẩm định giá, rồi các hoạt động bảo vệ, bảo quản, quản lý, hướng dẫn thị trường phát triển.
Như vậy, rõ ràng là tất cả những điều trên ở Việt Nam mới đang bắt đầu hình thành, đúng hơn là chúng ta mới bắt đầu có nhận thức và đưa vào pháp lý. Còn các thể chế khác để phát triển thị trường thì Việt Nam hầu như chưa có. Thậm chí ngay cả việc chỉ định đơn vị nào làm thí điểm kiểm kê phát thải cũng chưa rõ ràng mà chỉ có lĩnh vực. Ví dụ như: lĩnh vực nhiệt điện, lĩnh vực khai thác mỏ quặng, luyện gang thép... Còn ông A, B, C phải làm trong thời hạn này, với công cụ này, với báo cáo như này thì chưa có. Như vậy rõ ràng chúng ta mới có nhận thức mà chưa có những bước triển khai trên thực tế.
Chính vì vậy, để nói rằng có khả thi hay không? Thì chúng ta nhận ra như vậy. Việt Nam chỉ còn hai năm nữa là đến thời điểm thí điểm, mà hiện nay vẫn chưa có gì. Ngoài quy định luật thì các thể chế nào thực hiện, đơn vị thực hiện quá trình đo, đong đếm, rồi xác định các đối tượng cũng như các tiêu chí đánh giá, đánh giá các dự án tiềm năng cộng với là các phương pháp tính toán và nhận diện những đánh giá những phát thải đó như thế nào… tất cả hiện chúng ta chưa hề có.
Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp hiện nay cũng chưa thực sự tới. Doanh nghiệp mới hiểu rằng, chúng ta phải làm, không thể tránh được nhưng làm như thế nào thì doanh nghiệp vẫn như người ngoài cuộc, thậm chí là để đơn giản và dễ dãi thì doanh nghiệp sẵn sàng đi mua ở nước ngoài chứ trong nước cũng chưa tham gia vào.
Hơn hết, Việt Nam chưa có các chế tài để định vị, tức là chưa có lộ trình, chế tài để buộc tất cả doanh nghiệp phải tuân thủ theo. Rõ ràng tất cả đều đang còn rất thiếu, mà thời gian thì còn rất ngắn. Vì thế nói đến tính khả thi, tôi cho rằng đầy áp lực.
Việt Nam xác định thị trường carbon là một trong những công cụ định giá carbon hữu hiệu trong việc triển khai hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Khi thị trường carbon được vận hành thì tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều phải xây dựng phương án để cắt giảm phát thải. Mặt khác, hệ thống này cũng sẽ thúc đẩy cho doanh nghiệp chuyển sang những công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.
Việt Nam cũng đang hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 và Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng về rừng, tuy nhiên, để thương mại hóa tín chỉ carbon rừng thì vẫn còn nhiều thách thức.
Việc thực hiện tín chỉ carbon có liên quan đến khá nhiều bộ, ngành. Ví dụ như: Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ khi triển khai tín chỉ carbon hay không, thưa ông?
Đúng là như vậy, môi trường là vấn đề mang tính chất liên ngành, liên vùng, liên địa phương, liên quốc gia và xuyên thời gian. Không có chuyện phân biệt của ông A, ông B cả hay của nước này, nước kia. Bởi nó là tự nhiên, con người sống trong trái đất là mái nhà chung và điều này cũng quy định rằng để thực hiện thị trường tín chỉ carbon thì đòi hỏi sự phối hợp rất là chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cấp, các địa phương với nhau.
Hơn nữa, chúng ta thấy rằng nó còn xuất phát từ một yêu cầu nữa, bởi vì đây là hạn ngạch, mà hiện nay hạn ngạch bao nhiêu? Chúng ta đều chưa có. Do đó, không chỉ dừng lại ở cấp bộ mà còn cả toàn quốc gia. Chúng ta phải đo, đóng đếm xem để thế giới xác nhận chúng ta được bao nhiêu hạn ngạch? và quốc gia được bao nhiêu hạn ngạch? mỗi năm là bao nhiêu? sau đó mới phân bổ cho các bộ, ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp để cụ thể hóa về số liệu toán cho vấn đề về thực hiện hạn ngạch này thì mới hình thành được thị trường, mới ra được cơ chế mua bán, trao đổi.
Ngoài ra, còn là kỹ thuật đo, đong đếm, kiểm soát, kiểm tra các phát thải cũng như khả năng tiết kiệm việc tạo ra thị trường để hấp thụ carbon... Tất cả đều đòi hỏi những tiêu chí kỹ thuật mà không phải chỉ một đơn vị được giao khoán làm, hay làm một lần mà đòi hỏi sự phối hợp lâu dài.
Bên cạnh đó, còn phải gắn với sự cập nhật, sự thay đổi trong quan điểm. Thậm chí thế nào là rừng? Cho đến nay cũng chưa thật sự rõ ràng. Có phải cứ màu xanh là rừng hay không? Hơn nữa mỗi loại rừng thì có chất lượng về hấp thụ carbon ra sao? hay mỗi loại hình doanh nghiệp ở trong lĩnh vực nào đó thì phát thải như thế nào?... Tất cả đòi hỏi sự thống nhất về nhận thức.
Như vậy có thể nói rằng một cơ chế phối hợp rất cần thiết trong toàn bộ quá trình, từ xây dựng thị trường cho đến triển khai quản lý thị trường và vận hành cũng như hoàn thiện thị trường trong thời gian tới. Tôi nhấn mạnh một lần nữa là về vấn đề này rõ ràng Việt Nam mới đang đi những bước đầu tiên.
Xin cảm ơn ông!