Giải bài toán vốn để phát triển thị trường tín chỉ carbon cho TP. Hồ Chí Minh Thị trường tín chỉ carbon: Lĩnh vực kinh doanh tỷ đô |
Càng chậm càng mất cơ hội
Từ ngày 1/10/2023 châu Âu bắt đầu sử dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để tránh rò rỉ carbon và yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kiểm soát khí thải trong quá trình sản xuất. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì thế tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon" diễn ra ngày 6/9, các ý kiến đều nhận định rằng, doanh nghiệp Việt phải đẩy mạnh công tác đầu tư cho phát triển xanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA nêu ý kiến tại hội thảo |
Lý do được ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) - cho biết: Với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, hiện cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc bởi “nước tới chân rồi’ và không “xanh” thì không xuất hàng đi đâu được cả.
Tuy vậy theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, điều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là bắt đầu như thế nào? Ai cấp cho doanh nghiệp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp? “Nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và mong được hướng dẫn, sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện”- ông Hòa chia sẻ.
Hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon" thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành |
Băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hòa thực tế hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, theo TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, tình hình triển khai thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn rất chậm. TS Nguyễn Ngọc Linh cũng khẳng định rằng, nếu làm chậm sẽ mất cơ hội.
Dẫn chứng cụ thể TS Nguyễn Ngọc Linh cho biết, tại Việt Nam các hoạt động tham gia thị trường carbon quốc tế đã được nhiều bên liên quan thực hiện thông qua các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ những năm 2005 và sau này là các dự án được triển khai theo các cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS). Tuy nhiên đến cuối năm 2022 mới có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon từ cơ chế CDM và khoảng 10 triệu tín chỉ carbon hình thành từ cơ chế GS, VCS...
TS Nguyễn Ngọc Linh cho rằng, để Việt Nam có thể phát triển thị trường carbon bền vững thì quá trình xây dựng, phát triển thị trường này định hướng theo phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cần phải có các công cụ và hạ tầng kỹ thuật rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính cho từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.
“Thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Quan trọng nhất là các cơ quan ban ngành cần tiến hành triển khai nhanh hơn nữa”- TS Nguyễn Ngọc Linh nêu quan điểm.
Để xuất khẩu vào châu Âu thì các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kiểm soát khí thải trong quá trình sản xuất. |
Phải tạo ra hàng hóa để thí điểm chính sách
Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính được giao xây dựng thị trường carbon và để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon thì các chính sách phải hoàn thành trước tháng 7/2024. “Tất cả hàng hóa sẽ được mã hóa trước khi đưa lên thị trường, gắn kết vào sở giao dịch và lưu ký, thanh toán qua hệ thống thanh toán hiện đại”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng mong TP. Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đi đầu trong việc thí điểm thị trường này bởi thành phố có cơ chế đặc thù thông qua Nghị quyết 98. Và để làm được, bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. “Nếu TP. Hồ Chí Minh có lập một tổ công tác để triển khai việc này, thì Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên- Môi trường sẽ tích cực phối hợp”- ông Sơn cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh nên nhanh chóng triển khai để thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon. Theo ông Hiếu thì việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TP. Hồ Chí Minh chứ không dàn trải.
“TP. Hồ Chí Minh nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải cố gắng hết sức để có được khung chính sách”- ông Hiếu đề xuất.