Thị trường điều hòa Việt 2,4 tỉ USD có thêm ''tân binh'' nội địa Điều hòa, quạt làm mát Hòa Phát sẵn sàng giải nhiệt mùa hè siêu nóng năm nay |
Sau khi đến cơ quan, việc đầu tiên mà chúng ta làm đó là bật các thiết bị điện, trong đó có thiết bị làm mát - máy điều hòa. Việc này, trong mỗi gia đình cũng tương tự. Tuy nhiên, sử dụng điều hòa trong gia đình theo giờ, thường là vào buổi trưa hoặc buổi tối.
Theo Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, ước tính mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa, có tốc độ phát triển lớn nhất về tiêu thụ trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến quy mô đạt 2,9 tỷ USD năm 2025.
Tiết kiệm điện: Chuyện không chỉ riêng của chiếc điều hòa không khí |
Trước đó, một nghiên cứu thị trường trong ngành điều hòa cũng cho thấy, với đặc điểm khí hậu gió mùa nóng ẩm và dân số 100 triệu, Việt Nam hiện là một trong những thị trường điều hoà lớn nhất châu Á, dự kiến quy mô đạt 2,9 tỷ USD năm 2025 (Research&Market, 2020).
Trước năm 1975, Việt Nam chưa có khái niệm về điều hòa, nhưng từ năm 2010 trở đi, ngành điều hòa ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2019, tốc độ tăng trung bình 18 - 20%, đây là con số tăng trưởng đột biến khiến những người làm trong nghề cũng khá ngạc nhiên về nhu cầu điều hòa của Việt Nam quá lớn.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, ngành điều hòa của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên tốc độ tăng trưởng có giảm đi. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường có tốc độ phát triển lớn nhất về tiêu thụ điều hòa trong khu vực Đông Nam Á.
Tháng 4/2023, khi mới bước vào mùa cao điểm nắng nóng thì số lượng máy lạnh tương đương với tháng 6/2022 (là tháng cao điểm của năm ngoái). Cụ thể, tổng sản phẩm bán ra của toàn thị trường điều hòa tháng 4/2023 tăng trưởng vượt bậc lên tới 394.000 sản phẩm, tăng gần gấp 2,5 lần so với tháng 3/2023, doanh thu của thị trường lên tới 3.730 tỷ đồng, tăng tỷ lệ thuận với sản phẩm bán ra. Trong đó, phân khúc dưới 10 triệu đồng được ghi nhận chiếm ưu thế hơn hẳn đối với mặt hàng này.
Đại diện Casper Việt Nam cho biết, doanh số bán điều hoà tăng trưởng mạnh nhất tại những khu vực có thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt như Bắc Trung bộ.
Hiện nay, xu hướng phát triển các tòa nhà thông minh liên quan chặt chẽ đến ngành lạnh và điều hòa không khí. Tuy nhiên, câu chuyện chiếc điều hòa không chỉ dừng lại ở con số kinh doanh. Đằng sau mỗi chiếc điều hòa đó còn là câu chuyện của vấn đề năng lượng và bảo vệ môi trường trái đất.
Bởi điều hòa tiêu thụ một lượng điện rất lớn. Trong các tòa nhà hoặc khách sạn, lượng điện tiêu thụ cho điều hòa chiếm khoảng 40 - 60%. Các môi chất lạnh trong các hệ thống lạnh đã phá hủy tầng ozon và gây nên hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên. Do đó, vấn đề đặt ra làm thế nào giảm tiêu thụ năng lượng cũng như tìm các môi chất không phá huỷ môi trường, không phá hủy tầng ozon và không gây hiệu quả nhà kính.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều chính sách trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó, những chiếc điều hòa không đảm bảo chất lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ không được đưa ra thị trường.
Thị trường giờ đây đã “vắng bóng” những chiếc điều hòa kém chất lượng từ Trung Quốc thời hạn sử dụng ngắn, tiêu hao điện vô tội vạ và thay vào đó là những chủng loại điều hòa chất lượng tốt hơn rất nhiều, được dán tem tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, so với thế giới thì chúng ta vẫn đang ở mức độ thấp, bởi chất lượng kèm theo giá bán, giá bán cao quá thì sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Tại châu Âu, nhiều người châu Âu từ lâu coi điều hoà không khí là xa xỉ, không cần thiết và là mối đe doạ huỷ diệt hành tinh. Các văn phòng có máy lạnh là điều phổ biến ở châu Âu nhưng tại nhà riêng, cực hiếm khi bạn tìm thấy một thiết bị điều hoà nhiệt độ. Chỉ 3% hộ gia đình ở Đức, 5% ở Pháp lắp điều hoà.
Thời điểm tháng 5/2023, nhiều lòng hồ thủy điện tại miền Bắc rơi vào cảnh cạn trơ đáy |
Những ngày cuối tháng 6, những cơn mưa “vàng” đã đến với khu vực miền Bắc. Nước về với các hồ thủy điện miền Bắc, việc này đồng nghĩa với áp lực về điện cho sản xuất và tiêu dùng đã phần nào hạ nhiệt. Tuy nhiên, kèm theo đó là tâm lý chủ quan và bao nhiêu công sức trong việc tuyên truyền về tiết kiệm điện trong suốt thời gian vừa qua lại như “muối bỏ bể”.
Tuần trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, miền Bắc “cơ bản đủ điện” từ 23/6. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng, nên EVN cho biết, vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan, như sự cố các nguồn điện lớn khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... dẫn tới phải cắt điện ngắn hạn trong thời gian khắc phục sự cố.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc sau chuỗi ngày giảm nhờ thời tiết mát mẻ. Theo thông tin, năm nay mưa sẽ ít hơn, như vậy các hồ thủy điện tích nước sẽ khó khăn, sẽ dẫn tới xả nước tạo điện có cầm chừng. Như vậy, ở mùa nắng năm sau, năm 2024, sẽ có khả năng tiếp tục thiếu điện.
Thiên nhiên ngày càng vô chừng, biến đổi khí hậu khiến những tháng qua có nơi nắng nóng gay gắt, có nơi bão lũ… Giữa cái nóng kỷ lục, loại hệ thống làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng này đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng thêm áp lực lên môi trường trái đất.
“Không có điều hòa, có lẽ cán bộ sẽ bỏ việc, bỏ cơ quan”, câu nói vui của TS. Nguyễn Duy Tiên - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam về mức độ phụ thuộc vào điều hòa không khí.
Việc lạm dụng điều hòa không khí cũng khiến chúng ta không thể thích nghi với thời tiết nóng lực và khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn cả về mặt thể chất và tâm lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta càng phụ thuộc nhiều hơn vào điều hoà nhiệt độ.
Cân bằng giữa nhu cầu, thói quen và tiết kiệm điện mà rộng hơn đó là bảo vệ môi trường là bài toán không dễ, trong đó, ý thức của mỗi người vẫn là vấn đề hàng đầu.