Hà Tĩnh: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Đẩy mạnh quảng bá, phân hạng sản phẩm OCOP |
Tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ đam mê khởi nghiệp
Thời gian qua, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương qua các mô hình khởi nghiệp, xây dựng kinh tế nông thôn và tham gia chương trình OCOP. Chị Lê Thị Ly Na, (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã xây dựng cơ sở chế biến và khởi nghiệp với sản phẩm trà mãng cầu xiêm. Với sản phẩm trà làm từ mãng cầu, Ly Na vừa có thể tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương vừa tạo ra sản phẩm hướng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Sau thời gian phát triển, sản phẩm trà mãng cầu xiêm đã dần thâm nhập thị trường, được nhiều người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh tin tưởng, sử dụng. Đề án về “Trà mãng cầu xiêm” của Ly Na cũng vinh dự đạt giải nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông lần thứ I, năm 2019. Sản phẩm trà mãng cầu của Ly Na là 1/22 sản phẩm được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt OCOP đợt 1 năm 2020.
Tham dự các sự kiện kết nối cung cầu là một trong những giải pháp nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chủ lực Đắk Nông |
Chương trình OCOP tạo thêm nhiều cơ hội để những người trẻ đam mê khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện biến nông sản địa phương thành những sản phẩm có thương hiệu, nâng cấp mẫu mã, chất lượng, tham gia các thị trường tiêu thụ bền vững, từ đó tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - cho biết, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ năng động, bản lĩnh mà còn có niềm đam mê sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cao, dám đương đầu với những thử thách, trải nghiệm những điều mới để tìm kiếm những hướng đi riêng, từ đó phát triển và đột phá ở nhiều lĩnh lực. Khởi nghiệp là một trong những sân chơi nhằm hiện thực hóa ý tưởng của thanh niên, sinh viên.
“Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp truyền thống lâu đời, có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa mang nét riêng biệt vùng miền, chính vì vậy khởi nghiệp trong chương trình OCOP có thể tận dụng được tiềm năng sẵn có để phát triển sản phẩm địa phương mang tính độc đáo thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi ý tưởng khởi nghiệp”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Hiện nay, Việt Nam có trên 50% thanh niên sống ở vùng nông thôn, đây là lực lượng lao động trẻ, có cơ hội tốt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thách thức đối với sinh viên, thanh niên muốn khởi nghiệp thông qua chương trình OCOP vẫn còn không ít bởi muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng.
Chương trình “Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP trong thanh niên, sinh viên” diễn ra từ ngày 1/12 đến ngày 3/12/2021 |
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, Việt Nam tuy đang phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp sáng tạo nhưng lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% ý tưởng, dự án khởi nghiệp được gọi là thành công.
Nguyên nhân khiến 97% dự án, ý tưởng khởi nghiệp thất bại có rất nhiều. Trong đó, chiếm đến 42% là do sản xuất kinh doanh không đúng với nhu cầu thị trường, 23% là do thiếu hoặc cạn vốn, 19% là do sản xuất kém xa với các đối thủ trên thị trường và 18% là do gặp các vấn đề về giá cả, chi phí…
Thực tế cho thấy, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thường thất bại là do thiếu nền tảng về khởi nghiệp và chỉ chăm chú vào phát triển sản phẩm mình thích mà không biết sản phẩm đó có đáp ứng yêu cầu thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng hay không.
TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên - cho biết, phát triển các sản phẩm OCOP tưởng chừng rất dễ nhưng thực ra không hề đơn giản. “Như đối với sản phẩm tinh dầu, thị trường về sản phẩm này rất khó tính, nếu không bảo đảm chất lượng và không đầu tư với quy mô đủ lớn thì những sản phẩm này rất khó vươn ra thị trường”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nhận định.
“Tiếp sức” thanh niên, sinh viên khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, đầu tháng 12/2021, Chương trình “Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP trong thanh niên, sinh viên” đã được Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức.
Chương trình có 10 chuyên đề chia thành 3 buổi tập huấn với 3 chủ đề khác nhau, gồm: Phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo OCOP; Phát triển OCOP gắn với nông nghiệp hữu cơ trong sinh viên, thanh niên; Khởi nghiệp OCOP gắn với việc xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu.
Theo các chuyên gia, diễn đàn được đánh giá là hết sức bổ ích giúp cho sinh viên, thanh niên trên địa bàn cả nước giao lưu, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm nhằm hiện thực hóa và triển khai thành công các ý tưởng khởi nghiệp.
Chương trình “Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP trong thanh niên, sinh viên” cũng sẽ là một bước đệm, là động lực thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp bừng cháy trong sinh viên, thanh niên. Những ý tưởng sáng tạo cùng nguồn cảm hứng vô tận trong việc khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương sẽ là niềm tự hào vững chắc của thế hệ sinh viên thanh niên năng động ngày nay.
Kinh doanh tạo ra lợi nhuận cũng quan trọng, nhưng cảm giác được thỏa mãn khi những gì mình tâm huyết đang phát triển mạnh mẽ hơn mỗi ngày còn là điều quan trọng hơn. Dù lựa chọn phát triển sản phẩm nào thì vấn đề các bạn trẻ cần quan tâm đầu tiên đó là cần xây dựng hướng đi cụ thể cho ý tưởng, dự án của mình. Để thanh niên, sinh viên thành công trong khởi nghiệp sáng tạo với sản phẩm OCOP, việc hợp tác liên kết cùng lập nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững được cho là hướng đi hiệu quả giúp bạn trẻ rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực.