Về đích mục tiêu đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP
Đầu tháng 11/2021, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2021 đã tiến hành thẩm định đợt 1 tại huyện Hoài Đức. Theo đó, có 8 chủ thể với 22 sản phẩm gồm: Rau, củ, quả tươi; đồ ăn nhanh; sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả, gạo; sản phẩm thủ công mỹ nghệ… đã được Tổ tư vấn đánh giá tiềm năng từ 3 - 4 sao.
Mới đây, ngày 11/12, 16 chủ thể với 31 sản phẩm của huyện Hoài Đức tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2. Các sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến và hàng thủ công mỹ nghệ…; đã vượt qua vòng xét tuyển hồ sơ, các điều kiện cần thiết của UBND huyện Hoài Đức. Các thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2021 đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí của 31 sản phẩm được huyện Hoài Đức đề xuất. Hầu hết sản phẩm đều được đánh giá cao về chất lượng. Mặc dù vậy, nhiều chủ thể chưa biết đầu tư cho tem nhãn, bao bì sản phẩm; chưa thực hiện đăng ký xây dựng nhãn hiệu nên sản phẩm còn “mộc mạc”…
Lần đầu tiên diễn ra ngày hội livestream sản phẩm OCOP Hà Nội |
Còn tại huyện Mê Linh, ông Phạm Thành Đô -Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh - cho biết, vừa qua, 20 sản phẩm của 4 chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2021. Theo đó, toàn bộ 20 sản phẩm được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đánh giá cao, thống nhất đề xuất TP cấp 3 - 4 sao.
Cùng với huyện Hoài Đức, Mê Linh, chỉ trong vòng 2 tháng qua, 19 quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã tích cực rà soát, hỗ trợ các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Chí- Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn Phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội - cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP sẽ đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Riêng đối với Chương trình OCOP, Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên..
Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm 2021, TP phấn đấu đánh giá được 400 sản phẩm OCOP. Đáng khích lệ khi các địa phương đã đăng ký đến 541 sản phẩm. Cho đến nay, đã có 19 quận, huyện, thị xã được Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2021 tổ chức thẩm định sản phẩm, đề xuất Hội đồng TP cấp sao.
Không chạy theo số lượng sản phẩm
Dù mục tiêu về số lượng trong năm 2021 là rất lớn, cộng với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vẫn được Hà Nội triển khai hết sức nghiêm túc. Việc thẩm định được thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội thực hiện bám sát những tiêu chí đã được quy định tại các Quyết định số 1048/QĐ-TTg và 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sản phẩm của huyện Hoài Đức tham gia đánh giá, phân hạng OCOP ngày 11/12. |
Cùng với bám sát các tiêu chí để đánh giá theo đúng quy định, các thành viên Tổ tư vấn là đại diện các sở, ban ngành của Hà Nội cũng nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hồ sơ để tham góp ý kiến, bổ sung cho các chủ thể những nội dung còn thiếu. Qua đó giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng TP đánh giá, phân hạng.
Ông Nguyễn Văn Chí cũng thông tin thêm, cùng với phấn đấu hoàn thành mục tiêu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP, từ nay đến cuối năm 2021, TP cũng sẽ tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các vùng miền. Dự kiến các sự kiện sẽ được tổ chức trong tháng 12/2021, trước Tết Nhâm Dần 2022.
Đây cũng là chuỗi hoạt động đã được Hà Nội tổ chức rất thành công trong năm 2020, với tổng số 4 sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Không chỉ mang lại lợi ích cho chủ thể sản xuất, kinh doanh, các sự kiện còn giúp người tiêu dùng Thủ đô có những trải ngiệm thú vị về văn hoá vùng miền, cũng như tiếp cận được những mặt hàng có chất lượng từ khắp mọi miền đất nước.