Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể về tấm bản đồ viết tay trong ngày giải phóng

Trên hành trình thần tốc tiến vào Sài Gòn năm 1975, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã được trao một tấm bản đồ viết bởi một người "má" rất đặc biệt...
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ký ức khó quên về những trận chiến “rừng sâu là nhà, bom đạn là bạn” Chiến thắng 30/4/1975: Bản hùng ca bất diệt và sự thật không thể bị xuyên tạc Ký ức 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam 'sống dậy' tại Dinh Độc Lập

Ngày 16/4, tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), đã diễn ra chương trình gặp mặt, giao lưu 50 đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với chủ đề "50 năm toàn thắng về ta".

Chương trình đã chứng kiến những chia sẻ đầy hào hùng của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu về cuộc hành quân lịch sử tiến vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975. Đặc biệt, góp phần không nhỏ trong thành công ấy là một tấm bản đồ được viết tay dành tặng riêng cho các chiến sĩ...

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (trái) kể về ký ức hào hùng ngày giải phóng vào sáng 16/4.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (trái) kể về ký ức hào hùng ngày giải phóng.

Cuộc hành quân thần tốc của Trung đoàn 27

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ: Câu chuyện xảy ra vào đúng 50 năm về trước, Thượng tướng lúc đó là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 27 của Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết Thắng.

Trung đoàn 27 lúc đó đang thực hiện cuộc hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào để dự bị cho cuộc tiến công vào Huế, nhưng ngày 26/3/1975 thì Huế đã được giải phóng. Sau đó, Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà, qua đèo Ang Bun và bắt đầu cuộc hành quân theo đường Trường Sơn Đông, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại: "Trên đường đến Ang Bun, lúc đó mùa khô nên đất bazan bụi mù mịt, phủ lên người những chiến sĩ. Lúc đó, hành quân suốt ngày đêm mệt nhọc như thế, nhưng anh em đã phải ăn lương khô, gạo rang và thịt hộp. Chỗ nào có suối thì mới dừng lại để nấu cơm".

Khi Trung đoàn 27 hành quân đến đèo Ang Bun thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.

"Tôi phổ biến mệnh lệnh này cho cán bộ, chiến sĩ. Anh em lúc đó quên hết mệt nhọc, bừng dậy, tiếp tục hành quân!", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.

Tấm bản đồ soi đường đến Sài Gòn

Tuân theo mệnh lệnh của Đại tướng, đêm 25, rạng sáng 26/4/1975, toàn Trung đoàn 27 đã tập kết ở Bàu Cá Trê, cách Tân Uyên (Bình Dương) khoảng 5 km. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại: "Sáng cùng ngày, chúng tôi tiến công bằng bộ binh cơ giới, đánh qua Tân Uyên, bắt tù binh, ngồi lên xe tăng dẫn đường cho quân giải phóng tiếp tục tiến quân qua Bình Chuẩn".

Vào đêm 29/4/1975, Trung đoàn 27 đã đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km. Lúc đó, trục đường 13 mịt mù đêm tối, nhưng riêng có một căn nhà lá đơn sơ có ánh đèn lúc sáng lúc mờ.

"Tôi nghĩ: Đây có thể là cơ sở của ta." Thượng tướng chia sẻ. "Sau đó, tôi, cùng tổ trinh sát đi qua nghĩa địa, qua bìa rừng, cho trinh sát vào hô “Hồ Chí Minh” 3 lần. Một lát sau có bà má ra mở cửa, đáp lại “Muôn năm”. Quả thật đúng là cơ sở của ta!"

Tiến vào trong căn nhà lá, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thưa với má: “Con là chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày mai đơn vị chúng con có nhiệm vụ theo trục đường đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Nguỵ. Nếu má có thông tin thì cung cấp cho chúng con”.

Má nhìn bản đồ chỉ huy của Thượng tướng và nói: “Má không cần bản đồ này.”

Thượng tướng chia sẻ: "Má vào trong buồng lấy ra một bản đồ, tôi thấy má đã ghi rất kỹ, nét chữ rất đẹp. Sau này tôi mới biết má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn".

Theo tấm bản đồ của má, cách Trung đoàn 5 km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2.000 hạ sĩ quan và một đại tá chỉ huy. Má bảo Thượng tướng: “Ngày mai tiến công vào, các con không cần đánh, họ sẽ kêu hàng, và nhanh chóng phải chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình thật nhanh. Nếu không chiếm được cầu Vĩnh Bình thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.

Thượng tướng hỏi: “Thưa má, còn con đường nào khác không?”

Má trả lời: “Có đường sắt Lái Thiêu, nhưng xe tăng các con không đi được. Sáng mai má và hai con của má sẽ ngồi lên xe tăng để dẫn đường cho các con tiến công vào Gò Vấp”.

Thượng tướng đáp lại: “Thưa má, má già rồi, các em còn nhỏ. Chúng con đánh xong sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào”.

Bắt sống "vua chiến trường" của quân ngụy

Vào 4h30 sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tiến công bằng cơ giới. Lúc đó, có một tiểu đoàn đã luồn sẵn vào Lái Thiêu. Qua Lái Thiêu, Trung đoàn phát hiện xe tăng của địch, bắn cháy 3 chiếc, đồng thời bắt sống chiếc “vua chiến trường” (Pháo tự hành M107), hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hào hùng kể lại: "Tiếp tục truy đuổi, chúng tôi đánh vào cầu Vĩnh Bình – tuyến thủ cuối cùng để tiến vào Sài Gòn. Địch chống cự nên chúng tôi phải dùng toàn bộ hoả lực có trong trung đoàn, trút nòng xuống để kiềm chế, cho lực lượng cơ giới chiếm cầu. Cầu này, như má nói, có dây thép gai chằng chịt, có thùng phuy đựng cát chắn đường. "Các con phải đánh nhanh".

Đến 9h sáng, Trung đoàn đã chiếm được cầu Vĩnh Bình. Riêng đồng chí Hoàng Thọ Mạc – Đại đội trưởng Đại đội xe tăng – đã bắn cháy 3 xe. Sau khi xe của đồng chí bị hỏng, đồng chí đã xuống chỉ huy tổ B40, B41, và tiếp tục bắn cháy thêm 3 xe nữa.

Nhưng không may, đồng chí Hoàng Thọ Mạc đã bị thương nặng và hy sinh. Thấy vậy, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã quyết định đưa đồng chí Hoàng Thọ Mạc lên xe để cùng đồng đội tiến công về Sài Gòn.

Khoảng gần 10h, Trung đoàn 27 đã chiếm được Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Nguỵ ở quận Gò Vấp và chiếm 13 căn cứ lục quân, công sở. Đến Tổng Y viện Cộng Hoà, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã gặp Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y quân nguỵ Sài Gòn.

Thế nhưng, khi đối mặt với Thượng tướng, ông Thanh nói: “Thưa quý ông, tôi làm ngành y, xin quý ông tha.”

Thượng tướng đáp lại: “Quân giải phóng sẽ khoan hồng, nhưng ông phải chấp hành mệnh lệnh của quân giải phóng".

Sau khi kiểm tra, Thượng tướng cho phép thân nhân lính ngụy đưa thương binh rời viện, rồi mới đưa quân giải phóng vào tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Chia sẻ về cảm xúc chiến thắng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói: "Chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn lời của Bác trước khi đi xa:

"Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu sinh năm 1947. Ông từng giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII, IX, X) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (từ năm 1998 - 2011).

Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tham gia trực tiếp 67 trận đánh. Năm 26 tuổi, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.

Phú Quý
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Quốc phòng

Tin cùng chuyên mục

Thi tốt nghiệp 2025: Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt

Thi tốt nghiệp 2025: Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt

Chuyện về những sĩ quan

Chuyện về những sĩ quan 'giữ lửa' giữa trùng khơi

PGS.TS Tô Văn Hòa làm Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

PGS.TS Tô Văn Hòa làm Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

Đảm bảo kinh phí cho lao động nghỉ việc theo Nghị định 178

Đảm bảo kinh phí cho lao động nghỉ việc theo Nghị định 178

Vụ lòng se điếu: Quán Lòng Chát nói gì về nguồn gốc sản phẩm?

Vụ lòng se điếu: Quán Lòng Chát nói gì về nguồn gốc sản phẩm?

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm: 28 năm chắp cánh ước mơ

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm: 28 năm chắp cánh ước mơ

Thúc đẩy các mô hình, giải pháp phát triển hạ tầng internet

Thúc đẩy các mô hình, giải pháp phát triển hạ tầng internet

Đại học Văn Lang bị ‘tấn công’: Không thể bao biện là “bảo vệ lẽ phải”

Đại học Văn Lang bị ‘tấn công’: Không thể bao biện là “bảo vệ lẽ phải”

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Hệ thống bán lẻ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới

Hệ thống bán lẻ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới

Chuyện về những người gác rừng, giữ biển ở Côn Đảo

Chuyện về những người gác rừng, giữ biển ở Côn Đảo

Bước khởi đầu hồi sinh dòng sông Tô Lịch giữa Thủ đô

Bước khởi đầu hồi sinh dòng sông Tô Lịch giữa Thủ đô

Gửi yêu thương từ đất liền đến Trường Sa, nhà giàn DK-1

Gửi yêu thương từ đất liền đến Trường Sa, nhà giàn DK-1

Diễn đàn liên kết 5 nhà: Hướng đến nền nông nghiệp xanh và hiện đại

Diễn đàn liên kết 5 nhà: Hướng đến nền nông nghiệp xanh và hiện đại

Cục trưởng An toàn thực phẩm nói gì về nguyên nhân lộn xộn thực phẩm giả?

Cục trưởng An toàn thực phẩm nói gì về nguyên nhân lộn xộn thực phẩm giả?

Điểm mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi

Điểm mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi

Rà soát số lượng cán bộ dự kiến tinh giản trước 30/6

Rà soát số lượng cán bộ dự kiến tinh giản trước 30/6

Mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng như thế nào?

Mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng như thế nào?

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ HVAC

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ HVAC

Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng từ việc trèo lên cột điện cao thế bắt tổ chim

Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng từ việc trèo lên cột điện cao thế bắt tổ chim