Cẩn trọng "ma trận" thuốc điều trị hậu Covid-19 Thị trường thực phẩm chức năng: “Ma trận” giá và chất lượng |
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đang có rất nhiều "lỗ hổng" gây bất lợi rất lớn đối với người tiêu dùng. Vậy thưa luật sư, các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hiện đã đủ sức răn đe?
Hiện nay, hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe được điều chỉnh bởi Luật Quảng cáo 2012, Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Cụ thể, trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì cần thực hiện đăng ký nội dung quảng cáo đối với những danh mục được quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ bị xử phạt hành chính tùy từng hành vi vi phạm, mức phạt tiền thấp nhất đối với cá nhân là 5.000.000 đồng, cao nhất là 70.000.000 đồng; đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi so với mức phạt áp dụng đối với cá nhân.
Theo tôi, mức phạt hành chính như thế này chưa thực sự tạo dựng được cơ chế răn đe hiệu quả trong thực tiễn. Có thể thấy, mức phạt tiền còn thấp so với thực tiễn những giá trị bất chính mà các cá nhân, tổ chức quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thu lại được từ hành vi vi phạm của mình.
Trước tình trạng quảng cáo, buôn bán, nhập lậu thuốc chữa Covid-19 và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ ngày càng tràn lan và khó kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử, tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe người dân, theo ông giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Việc quảng cáo thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mua bán thuốc lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là những hành vi bất hợp pháp, vi phạm quy định của Luật Dược, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với sức khỏe người dân mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với những loại thuốc có nguồn gốc không rõ ràng, không có hoá đơn, chứng từ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu giữ, niêm phong để tiến hành xử lý, làm rõ nguồn gốc, chất lượng hàng. Tuỳ vào từng trường hợp vi phạm cũng như tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước tình trạng buôn bán, nhập lậu thuốc chữa Covid-19 ngày càng tràn lan và khó kiểm soát, để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề này, các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt, linh hoạt các giải pháp đồng bộ, tổng thể, căn cơ. Trong đó, cần đẩy mạnh vấn đề quản lý nhà nước về hàng hoá, thuốc chữa bệnh, bởi đây là vấn đề sống còn, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xã hội và người dân.
Xuất phát từ nguyên nhân chính là nhu cầu về thuốc của người dân tăng cao, mà việc sản xuất, kinh doanh trong nước chưa đủ điều kiện đáp ứng. Vì vậy, trước mắt cần đẩy mạnh công tác cung ứng thuốc và nhập khẩu thuốc cho thị trường, đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về giá thuốc, đưa vào diện bình ổn giá, nâng cao chuyên môn và trách nhiệm, đạo đức của các y bác sĩ tại các cơ sở y tế, khám chữa bệnh.
Hiện nay, các chế tài xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa thực sự tạo dựng được cơ chế răn đe hiệu quả trong thực tiễn. |
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh các loại thực phẩm, thuốc chữa Covid-19 nhập lậu, chưa được phép lưu hành trên địa bàn. Lên án những hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh, lợi dụng tình hình khó khăn của dịch bệnh để làm giàu bất chính, tiến hành xử phạt thật nặng để tạo sự răn đe và nghiêm minh của pháp luật.
Đặc biệt, để lành mạnh hóa thị trường kinh doanh trên môi trường TMĐT, Bộ Công Thương cần chủ trì với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, phân loại danh sách các website ứng dụng, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.
Vậy theo ông, cần tăng cường hoạt động quản lý ra sao để đạt hiệu quả trong phòng chống các vi phạm trong quảng cáo, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hiện nay?
Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần được phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan y tế, cơ quan thực hiện thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký nội dung quảng cáo và cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an và các cơ quan khác dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định và yêu cầu trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, việc phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo đúng quy định của pháp luật.
Việc tổ chức lực lượng kiểm tra, xác minh và xử lý theo từng vụ việc căn cứ vào nguồn thông tin và nhanh chóng phối hợp thống nhất, đồng bộ để xử lý hành vi vi phạm kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, chuyên viên trong việc thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe để đảm bảo là lực lượng quan trọng, chủ chốt trong phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Để tránh tình trạng mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, luật sư có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng?
Theo tôi, người tiêu dùng cần phải cân nhắc và lựa chọn sáng suốt trong việc mua những thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông, tìm hiểu những thông tin khuyến cáo chính xác từ bác sĩ chuyên khoa trước khi lựa chọn mua.
Và để tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần lựa chọn những địa chỉ nhà thuốc uy tín. Bên cạnh đó, với những người tiêu dùng đã từng mua và sử dụng phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì nên tố giác những đối tượng cung cấp sản phẩm này với cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật cũng như góp phần giúp những người tiêu dùng khác không bị lừa mua và sử dụng sản phẩm kém chất lượng đó.
Xin cảm ơn luật sư!