Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang |
Chiều ngày 7/8, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt”. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức.
Doanh nghiệp Việt Nam trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại “Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam”. Ảnh: Thanh Minh |
Sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành y tế, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm, nhựa,… Việt Nam kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp Bangladesh tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của quốc gia này.
Theo đó, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm 9,3% tổng xuất khẩu của Việt Nam đến Nam Á và chiếm 2% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ Nam Á trong năm 2023. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thương mại giữa hai quốc gia đã tăng gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ, từ khoảng 350 triệu USD năm 2012 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2023.
Doanh nghiệp Việt Nam trao đổi với doanh nghiệp Bangladesh tại hội nghị kết nối giao thương. Ảnh: Thanh Minh |
6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bangladesh đạt 562 triệu USD. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Bangladesh đạt 505 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm clinker và xi măng, xơ sợi dệt các loại, hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu và nguyên phụ liệu dệt may. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Bangladesh chủ yếu là dược phẩm và phế liệu sắt thép.
Ở cấp độ địa phương, quan hệ thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và Bangladesh cũng đã có những bước tiến đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh sang Bangladesh trong 6 tháng năm 2024 đạt 24,8 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Minh |
Chia sẻ tại hội nghị - ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trung tâm được UBND TP. Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước trên thế giới.
Chính vì thế, ITPC đóng vai trò như một trong những cầu nối vững chắc, luôn chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nước, đặc biệt là những thị trường tiềm năng mới, trong đó có Bangladesh và các nước Nam Á, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.
Theo ông Trần Phú Lữ, Bangladesh luôn là đối tác quan trọng về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Cho đến nay, Việt Nam và Bangladesh đã có nhiều hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, dệt may, thực phẩm Halal, dịch vụ phần mềm, hợp tác lĩnh vực ngân hàng và du lịch… đang mở ra cơ hội lớn cho cả hai bên. Hiện nay cả hai đều có nhu cầu tìm kiếm đối tác và thị trường mới, đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn.
“Qua hội nghị kết nối ngày hôm nay, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh, xuất nhập khẩu mới tại thị trường hai nước. Từ đó góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bangladesh và TP. Hồ Chí Minh nói riêng”, ông Trần Phú Lữ kỳ vọng.
Ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Dhaka (DCCI). Ảnh: Thanh Minh |
Tại hội nghị, ông Md. Ashraf Ahmed - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Dhaka (DCCI) - đánh giá: Bangladesh và Việt Nam là hai quốc gia có truyền thống hữu nghị lâu đời. Tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng được vun đắp thông qua thương mại ngày càng tăng và mở rộng cơ hội đầu tư.
Theo ông Md. Ashraf Ahmed, DCCI là một trong những Phòng Thương mại và Công Nghiệp lớn nhất ở Bangladesh, với hơn 5.000 thành viên từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các doanh nghiệp lớn. DCCI cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích kinh tế của Bangladesh trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời hỗ trợ các thành viên DCCI cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế về hợp tác xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư.
Ông Md. Ashraf Ahmed thông tin thêm, đoàn doanh nghiệp của DCCI đến từ Bangladesh lần này bao gồm nhiều nhà xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất và doanh nhân, bao gồm các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đa dạng. Đặc biệt, tập trung vào chế biến nông sản và thực phẩm, y tế, vật liệu xây dựng, điện tử, hàng may mặc, công nghệ thông tin và dịch vụ hỗ trợ, polymer và hóa chất, dược phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, hậu cần và du lịch.
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh tại hội nghị. Ảnh: Thanh Minh |
Doanh nghiệp Việt Nam có thể coi Bangladesh là cửa ngõ để thâm nhập và mở rộng sang thị trường Nam Á. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào Bangladesh vì đây là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng và cạnh tranh nhất ở Nam Á, với các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Trong số các ưu đãi, có thể kể đến chính sách miễn thuế 100%, sở hữu nước ngoài, kho ngoại quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất đáng chú ý. Hơn nữa, chúng tôi đã thiết lập các Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (DTT) với hơn 35 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
“Do đó, có rất nhiều cơ hội hợp tác thương mại đôi bên cùng có lợi giữa hai nước bao gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trang trại, chế biến nông sản giá trị gia tăng, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm sữa và bánh kẹo, vật liệu xây dựng, dược phẩm, thiết bị y tế, máy móc vốn công nghiệp, kỹ thuật ánh sáng, điện tử, công nghệ thông tin, Fin-tech và các sản phẩm Halal. Qua hội nghị lần này sẽ làm tăng thêm cơ hội thương mại và đầu tư giữa hai nước”, Chủ tịch DCCI kỳ vọng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại hội nghị lần này, doanh nghiệp hai bên tập trung kết nối giao thương vào các ngành hàng bao gồm: Ngành dệt may, ngành điện, điện tử và năng lượng, ngành cơ khí, ngành du lịch, logistics, ngành y tế, ngành nguyên liệu thô (nhựa, giấy, hóa chất)...