Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang |
Sáng ngày 24/3, tại TP. Mỹ Tho, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 |
Tham dự sự kiện có hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh.
Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang được tổ chức nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Đồng thời kết hợp với xúc tiến mời gọi đầu tư, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh Tiền Giang. Qua đó, thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh Tiền Giang.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024, ngày 24/3/2024 |
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết: Tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762 ngày 31/12/2023.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; là cơ sở để lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Đồng thời là nền tảng để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo cơ sở pháp lý, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, phát biểu chào mừng hội nghị |
Tại hội nghị, Tiền Giang công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và nhiệm vụ triển khai thời gian tới.
Mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại |
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch Tiền Giang xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển, gồm: Hai tâm (Trung tâm kinh tế biển Gò Công Đông - Tân Phú Đông và vùng sinh thái công nghiệp Tân Phước); Một dãi (đó là, dãi ven sông Tiên quy hoạch mới thành trục đô thị ven sông, chủ yếu phát triển du lịch); Bốn hành lang kinh tế (hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo tuyến Quốc lộ 1, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến Quốc lộ 50 và hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng đồng bằng sông Cửu Long) và Ba đột phá chiến lược (tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại 3 vùng, hành lang kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút, trọng dung và đãi ngộ nhân tài)”.
Với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; xây dựng môi trường đầu tư thực sự năng động, nâng cao mức độ hài lòng của nhà đầu tư khi thực hiện đầu trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh.
Theo Quy hoạch, Tiền Giang lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng như đối với ngành công nghiệp và xây dựng: Phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, trong đó tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao...
Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại có tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh thương mại điện tử, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; trở thành lĩnh vực chủ lực của tỉnh.
Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (vùng trái cây, lúa, thủy sản) gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng các thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa…
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh. Tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để khoa học, công nghệ trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
“Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn của tỉnh. Đây được xem là công cụ đặc biệt trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính và là tiền đề phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong tương lai và đó cũng chính là hiện thực hóa khát vọng, tiềm năng phát triển của địa phương” - Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh.
Tại hội nghị này, tỉnh Tiền Giang mong muốn được lắng nghe các đóng góp thẳng thắn, những chia sẻ của chuyên gia và các nhà đầu tư; cũng như những gợi ý, kiến nghị để Tiền Giang phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Từ đó hiện thực hóa các mục tiêu đã được nêu ra tại Quy hoạch của tỉnh.
Dịp này, Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án và chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư.
Tại hội nghị, tỉnh Tiền Giang sẽ giới thiệu 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án), với tổng vốn đầu tư 53.900 tỷ đồng. |