Tận dụng CPTPP, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mexico Tận dụng CPTPP, Việt Nam trở thành “mảnh đất hứa” trong thu hút FDI |
Bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày chính thức ký vào tháng 3/2018, cơ bản cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Việt Nam thúc đẩy thực thi các cam kết trong CPTPP để đưa hiệp định nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ảnh: TTXVN |
Bộ Công Thương đánh giá, CPTPP được coi là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định CPTPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định CPTPP đã được các Bộ, ngành, địa phương sớm ban hành, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới người dân, doanh nghiệp. Thêm vào đó, Chính phủ tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định TPP.
Cho đến nay, Bộ Công Thương cho biết, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan đã sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các FTA, cụ thể Hiệp định CPTPP có 23 văn bản. Về cơ bản, Việt Nam đã sửa đổi, ban hành mới khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (cả ở cấp độ luật và dưới luật) để kịp thời thực thi các quy định có hiệu lực ngay đối với CPTPP. Một số văn bản được ban hành muộn hơn nhưng đều được áp dụng hồi tố kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan trong quá trình thực thi cam kết, ví dụ như trong lĩnh vực thuế và mua sắm của Chính phů.
Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành thường xuyên theo dõi, rà soát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết trong các CPTPP và Điều ước quốc tế mà ta là thành viên. Các tỉnh, địa phương cũng đã chủ động rà soát, xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách do địa phương, tỉnh ban hành, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước và các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ Công Thương thể hiện vai trò đầu mối
Với tư cách là cơ quan đầu mối tiếp nhận và điều phối hỗ trợ kỹ thuật của các thành viên CPTPP để thực hiện hiệp định, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp nhận và triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật EDM của Canada tập trung vào 5 nhóm vấn đề là: Xây dựng năng lực về xây dựng chính sách thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); nông nghiệp; sở hữu trí tuệ. Dự án có sự tham gia của 4 Bộ là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng nội dung các hoạt động đề xuất triển khai trong năm tiếp theo để trao đổi với phía dự án EDM của Canada.
Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì đảm nhiệm, thúc đẩy và làm tốt vai trò là đơn vị tiếp nhận và trả lời các câu hỏi từ các cơ quan quản lý cấp địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân liên quan đến Hiệp định CPTPP. Cũng như, tiếp tục duy trì việc yêu cầu hệ thống Thương vụ tăng cường nghiên cứu thị trường nước sở tại thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất để cập nhật thị trường CPTPP, từ đó đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu phục vụ cho việc dự báo.
Nội dung thông tin mà hệ thống Thương vụ cung cấp bao gồm chính sách xuất nhập khẩu của các nước CPTPP, các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề pháp lý, các biện pháp phòng vệ thương mại, xác minh, nguồn hàng, đối tác… Bên cạnh đó, các Thương vụ Việt Nam tại các địa bàn trong khuôn khổ các Hiệp định đã chủ động phổ biến, giới thiệu về các hiệp định, cũng như các ưu đãi, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam trong các FTA này tới các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân tại sở tại thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội nghị, hội thảo chuyên ngành.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị nội dung và tham dự phiên họp Hội đồng cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 6 diễn ra tại Singapore. Kết thúc phiên họp, các Bộ trưởng các nước thành viên CPTPP đã thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 6. Ngoài ra, Bộ đã chủ trì hoặc phối hợp tham gia các phiên họp của các Ủy ban/Hội đồng/Nhóm công tác chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022, Bộ Công Thương cho hiết, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei. 3 thị trường mới có quan hệ FTA dù có Mexico và Peru ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm nhưng thị trường lớn nhất là Canada vẫn tăng tới gần 20,1%.
Mặc dù hiệu quả tận dụng CPTPP đang rất tích cực, tuy nhiên dư địa khai thác cơ hội vẫn còn lớn, vì vậy, nhằm thúc đẩy tận dụng CPTPP hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời Bộ đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong FTA này, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như thuế, quy tắc xuất xứ... Ngoài ra, định kỳ rà soát việc thực thi, nhanh chóng xử lý vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các văn bản...