Hơn 60% sản phẩm OCOP 4 sao đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Hơn 3.000 chủ thể OCOP được hỗ trợ làm quen với kinh doanh trực tuyến Phát động phong trào khởi nghiệp hợp tác xã, xúc tiến thương mại |
Từ khi tham gia Chương trình OCOP, anh Trương Đắc Nguyện – Chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức (TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đã đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến với nhiều khách hàng trong và cả ngoài tỉnh.
Anh Nguyện cho biết khi tham gia và được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP, người tiêu dùng có lòng tin và an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm. Nhờ đó, lượng hàng bán ra cũng nhiều lên và lợi nhuận thu về cũng cao hơn.
Hiện cơ sở có 8 sản phẩm, trong đó có sản phẩm bún tươi sấy khô và các loại bún khô rau ngót, khoai lang, gấc đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Để sản phẩm đạt chất lượng, cơ sở sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín, liên kết với đại lý, nông dân trong tỉnh cung cấp gạo được sản xuất theo hướng sản xuất hữu cơ để làm bún. Đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý và sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường 100 tấn bún tươi sấy khô. Các sản phẩm bún khô cũng đã có mặt tại hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự kiến cuối năm nay, cơ sở sẽ xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường châu Âu.
Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP Hậu Giang. Ảnh: Vietnam Business Forum |
“Đến với chương trình OCOP, đơn vị mong muốn đưa sản phẩm đến khắp mọi miền đất nước, được nhiều người biết đến và đón nhận, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực quê hương, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh”, ông Nguyện chia sẻ thêm.
Thực tế, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm OCOP để góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế tại Hậu Giang. Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện. Tỉnh cũng đăng ký 11 sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Theo kế hoạch về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024, đối với sản phẩm huyện, thị xã, thành phố thì mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện. Trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh. Tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nhất là sản phẩm OCOP... nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.