Đà Nẵng: Tăng cường văn hóa đọc |
Thời gian qua, văn hoá đọc tại Thừa Thiên Huế luôn được cấp uỷ, chính quyền quan tâm; công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc ngày càng kịp thời, chặt chẽ…
Theo Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND ngày 3/7/2017 về “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, chú trọng. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc chỉ đạo xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc ngày càng kịp thời, chặt chẽ; các nội dung của đề án được triển khai thực hiện lồng ghép với các chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa, giáo dục và các đề án khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Đặc biệt, hàng năm, nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần cổ vũ văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, văn hóa đọc đang nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành trong tỉnh, việc đọc sách không chỉ trở thành một thói quen mà còn là một công cụ để hướng tới xây dựng cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp, nhân văn hơn.
Các đại biểu tham quan tại lễ khai mạc "Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 2022" và giới thiệu hai ấn phẩm mới của Tủ sách Huế. |
Trong năm 2022, Sở đã ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam và giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 trong hệ thống thư viện công cộng nhằm mục đích nâng cao thói quen và kỹ năng đọc sách của mọi tầng lớp nhân dân, bồi dưỡng tình yêu đối với sách và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Tạo ra sân chơi bổ ích để giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm, niềm đam mê đối với sách của các nhà nghiên cứu, các tác giả và những người yêu sách. Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, đưa Tủ sách Huế, hoạt động thư viện và sách đến với cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ xuất bản và ra mắt 2 ấn phẩm “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” và “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đưa vào Tủ sách Huế theo Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Thư viện Tổng hợp xây dựng và triển khai kế hoạch về Phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thừa Thiên Huế như tổ chức các hoạt động như tuần lễ đọc sách miễn phí cho học sinh; tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc và luân chuyển sách báo về cho các đồn biên phòng, chiến sĩ vùng biên giới ở A Lưới…”, ông Phan Thanh Hải cho biết thêm.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh – Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho biết, thư viện đã tăng cường phối hợp với trại giam Bình Điền luân chuyển tài liệu phục vụ cán bộ, chiến sĩ và phạm phân. Giới thiệu về các tác giả - tác phẩm trên trang thông tin điện tử của Thư viện Tổng hợp tỉnh; Phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo và Nhà Thiếu nhi Huế tổ chức các cuộc thi vẽ tranh theo sách cho học sinh; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Bưu điện tỉnh luân chuyển sách báo cho các điểm Bưu điện Văn hóa xã; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn triển khai đề án phát triển văn hóa đọc, phục vụ lưu động và luân chuyển tài liệu tại các tủ sách cơ sở. Trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị, đổi mới mô hình phục vụ nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện.
Các em thiếu nhi đọc sách tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế |
Hiện nay, Thừa Thiên Huế hiện có 1 thư viện cấp tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, 9 tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng. Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế với vai trò nồng cốt trong phát triển văn hóa đọc đã duy trì mạng lưới thư viện cơ sở, đặc biệt là các tủ sách cơ sở, tủ sách tư nhân, các điểm bưu điện văn hóa xã, đồn biên phòng, tủ sách người có công với cách mạng và thư viện trường học trên địa bàn.
“Việc quan tâm, động viên thăm hỏi các tủ sách cơ sở đồng thời giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm tạo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh, giúp duy trì và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, tăng cường luân chuyển sách báo đến các vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển văn hóa đọc, giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng và chính xác và lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân”, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho biết thêm.
Bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ, hệ thống thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế còn chủ động, tích cực triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong việc luân chuyển sách báo nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc tại địa phương. Hệ thống thư viện cấp huyện và cơ sở đã được đưa vào quy hoạch. Nhiều địa phương bước đầu có sự quan tâm củng cố và phát triển hệ thống thư viện, đặc biệt là xây dựng và phát triển các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.