Chiều tối ngày 24/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế phát đi công điện khẩn gửi thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trong tỉnh kịp thời, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế phát công văn khẩn đề nghị các đơn vị, tổ chức, địa phương... chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng trực tiếp lên địa bàn tỉnh |
Nội dung công điện nêu rõ, chiều ngày 24/9, vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông Nam của quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự báo trên đất liền từ đêm nay 24/9 đến hết ngày 27/9, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 120-250mm, có nơi trên 350mm.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn và ATNĐ, nguy cơ ngập úng cục bộ vùng trũng, khu đô thị, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và thành phố Huế; các sở, ban ngành trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tại Công văn số 354/VPTT ngày 24/9/2023 về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất..
Đồng thời, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức quản lý và tuyệt đối cấm cho tàu thuyền không đủ điều kiện đảm bảo an toàn đi biển ra khơi từ 7h ngày 25/9, bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Các địa phương tổ chức rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi,ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ;Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn khi xảy ra mưa lũ. Chỉ đạo, đôn đốc rà soát, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, thuỷ điện, công trình hạ tầng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn...