Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chương trình đối thoại là một hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2024, là diễn đàn để lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, đây là hoạt động nhằm phát huy quyền làm chủ của người lao động, tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động tham gia ý kiến về những chính sách, quy định có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình.
Đóng góp ý kiến của đoàn viên công đoàn, người lao động tại buổi đối thoại (Ảnh: NM) |
Trong không khí thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, buổi đối thoại đã có hơn 20 lượt ý kiến phát biểu, các ý kiến tập trung kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, người lao động; trong đó tập trung khá nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tình hình việc làm; vấn đề đào tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân lao động, cơ chế chính sách tiền lương, vấn đề “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp;...
Tất cả các ý kiến phát biểu của đoàn viên, người lao động đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo các sở ban, ngành lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động và đã trực tiếp trao đổi, giải đáp cũng như làm rõ các vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm.
Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết trong những năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tỉnh ta đã có những bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, ngày càng đa dạng về cơ cấu, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển quê hương…
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp chăm lo phát triển đội ngũ đoàn viên công đoàn và thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức lao động. Tuy nhiên, có thể thấy đời sống vật chất tinh thần của một số công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn; việc đầu tư các công trình phúc lợi, nhà ở cho công nhân, người lao động vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu…; một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt chế độ, chinh sách đối với người lao động, nợ bảo hiểm xã hội nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương đề nghị các sở, ban, ngành cần tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của công nhân, viên chức, người lao động nêu tại buổi đối thoại để chủ động giải quyết, hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ của người lao động, đảm bảo những kiến nghị nêu trên tại buổi đối thoại phải được giải quyết. Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để kiến nghị các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành liên quan giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh các phương án xử lý cụ thể theo quy chế phối hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
“Đối với các doanh nghiệp, đơn vị phải thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là chấp hành nghiêm Bộ Luật lao động; Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn vệ sinh lao động. Cần nhận thức và xác định rõ vai trò, vị trí của công nhân, người lao động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thàn, tạo điều kiện để công nhân, người lao động tái tạo sức lao động; kịp thời động viên, khen thưởng, biểu dương công nhân, người lao động có thành tích cao, có tay nghề giỏi hoặc có nhiều sáng kiến tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, nhằm tạo sự đồng thuận, gắn bó lâu dài giữa công nhân lao động với doanh nghiệp, động viên công nhân ra sức thi đua tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm…Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, an toàn, quan hệ lao động hài hòa, ổn đinh và tiến bộ để cùng phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phát động phong trào toàn dân bảo về an ninh Tổ quốc tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân; tập trung vào các doanh nghiệp có đông công nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không để xảy ra tình trạng trực lợi bảo hiểm xã hội..
Dịp này, Ban tổ chức đã trao 200 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng tiền mặt cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.